Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tòa án nhân dân - Vai trò trung tâm của cải cách tư pháp

Thành Vinh| 08/07/2014 06:32

(HNM) - Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.



Đáng chú ý, Hiến pháp mới đã điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân (TAND), khẳng định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp cùng với việc tăng tính độc lập của tòa án.

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Quốc Quân.


Khẳng định vị thế mới

Các quy định về TAND được hiến định tại Chương VIII, Hiến pháp năm 2013 gồm 5 điều (từ Điều 102 đến Điều 106) và trong một số điều khoản khác đã xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò của TAND trong bộ máy cơ quan nhà nước. Trước hết, Hiến pháp mới khẳng định TAND là "cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp" (khoản 1, Điều 102). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, quy định này nhằm bảo đảm vị thế và tính độc lập của tòa án - một yêu cầu không thể thiếu được trong cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực ở nước ta.

Theo các nhà khoa học trong nước, về cơ bản các quan niệm đều thống nhất cho rằng quyền tư pháp là quyền xét xử các tranh chấp pháp lý dựa trên các quy định của pháp luật. Các tranh chấp này có thể chỉ là giữa người dân hoặc các tổ chức người dân lập ra (như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xã hội...) với nhau nhưng cũng có thể là tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với người dân và tổ chức do người dân lập nên. Như vậy, quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của công dân, tổ chức không mang quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền, là một công cụ để kiểm soát việc thực hiện các hành vi thực thi quyền lực nhà nước, trong đó có việc thực thi quyền hành pháp và quyền lập pháp.

Theo nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tú, Hiến pháp năm 1992 quy định TAND chỉ là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn Hiến pháp mới đã quy định ngoài chức năng xét xử thì TAND còn thực hiện quyền tư pháp. Nội dung mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm phân định quyền lực nhà nước theo hướng TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Đây là định hướng nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước ta theo kiểu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nội dung mới nêu trên về TAND còn mang ý nghĩa thực tiễn, đây là cơ sở pháp lý để giao cho TAND có thẩm quyền giải quyết những loại vụ việc liên quan đến việc hạn chế quyền nhân thân của công dân, mà những loại việc đó hiện nay do các cơ quan hành chính đang thực hiện, ví dụ như việc ra các quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc quyết định đưa người vào các trung tâm giáo dưỡng, cai nghiện…

Tăng tính độc lập trong xét xử

Trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống tổ chức của TAND cũng có những thay đổi theo tinh thần cải cách tư pháp với quy định gồm TAND Tối cao và các tòa án khác do luật định (khoản 2, Điều 102). Như vậy, theo quy định này thì hệ thống tòa án được tổ chức theo cấp xét xử không phụ thuộc vào địa giới hành chính như theo quy định của Hiến pháp năm 1992, góp phần bảo đảm cho tính khả thi của nguyên tắc tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy mới đây đã đề xuất quy định về tổ chức tòa án theo 4 cấp, cụ thể là: TAND sơ thẩm khu vực (là cấp xét xử sơ thẩm hầu hết các loại vụ án thuộc thẩm quyền của TAND), TAND cấp tỉnh (là cấp xét xử phúc thẩm là chủ yếu, xét xử sơ thẩm một số loại vụ án thuộc các trường hợp mà TAND sơ thẩm khu vực không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm), TAND cấp cao (là cấp xét xử phúc thẩm và có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm), TAND Tối cao (là cấp xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cao nhất và chủ yếu là tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật). Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng nhận định, việc đặt ra yêu cầu tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là một chủ trương đúng đắn và để bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án. Độc lập xét xử là một yêu cầu cao nhất thuộc quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền. Khi hình thành quyết định giải quyết vụ việc người có thẩm quyền xét xử chỉ dựa vào tình tiết khách quan của vụ việc trên cơ sở pháp lý và tư duy của mình để ra quyết định mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài nào khác.

Nguyên tắc tòa án xét xử độc lập còn được hiến định cụ thể hơn. Hiến pháp năm 1992 quy định "Khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật", còn Hiến pháp mới quy định: "Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm". Như vậy, thẩm phán, hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử chứ không chỉ giới hạn bởi "khi xét xử". Cụm từ "nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm" trong công tác xét xử cũng là bảo đảm cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử.

Để TAND thực thi được đầy đủ trách nhiệm của mình, đội ngũ thẩm phán có vai trò quan trọng, bởi chính đội ngũ thẩm phán là những người trực tiếp giải quyết, xét xử các loại vụ án và thực hiện quyền tư pháp. Do vậy, Hiến pháp năm 2013 có những quy định mới về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán khác đều thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước; đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức thẩm phán TAND Tối cao có sự phê chuẩn của Quốc hội. Ý nghĩa thực tiễn của quy định này nhằm xác định thẩm phán là thẩm phán của quốc gia, không phụ thuộc vào địa phương nào. Thủ tục bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao tương tự như thủ tục bổ nhiệm, phê chuẩn các thành viên Chính phủ đã nâng cao địa vị pháp lý của đội ngũ thẩm phán TAND Tối cao và TAND Tối cao.

Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 còn có nhiều quy định khác nhằm khẳng định vị thế mới của TAND, thể hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền và đường lối cải cách tư pháp ở nước ta. Để các quy định trong Hiến pháp đi vào cuộc sống, TAND Tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp luật, các quy định mới trong Hiến pháp cần phải được tiếp tục cụ thể hóa bằng việc ban hành, sửa đổi các luật khác nhau nữa, nhất là các luật tố tụng tư pháp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân - Vai trò trung tâm của cải cách tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.