(HNM) - Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức buổi gặp gỡ, động viên gia đình các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển (CSB) đang làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta.
Từ đầu tháng 6-2014 đến nay, anh Lê Văn Thành (Ban thông tin, Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh CSB) làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Căn nhà nhỏ của anh ở số 2, ngõ 3B, đường Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội) chỉ còn lại người vợ, đồng thời cũng là đồng nghiệp của anh - chị Trần Thị Tuyết và con gái Lê Thanh Mai. Mỗi khi xem tin tức về tình hình Biển Đông, bé Mai thường hỏi mẹ rằng: "Bố con có vất vả không, có nguy hiểm không?". Những lúc ấy, bao giờ chị cũng trả lời con: "Bố con đang làm nhiệm vụ, đó là trách nhiệm của bố và là niềm tự hào của mẹ con mình".
Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh tặng quà cho các gia đình cảnh sát biển nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. |
Nhà ở Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội), song do đặc thù công việc, chị Vũ Bích Thuận - vợ anh Phạm Đức Hạnh (Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh CSB) phải đi làm tại TP Hưng Yên. Trong thời gian anh Hạnh làm nhiệm vụ trên biển, anh chị gửi hai con nhờ bà ngoại chăm sóc từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Được bố truyền cho lòng can đảm, được mẹ nuôi dưỡng tình yêu thương, hai cháu tỏ ra chín chắn hơn hẳn so với những đứa trẻ cùng trang lứa dù có lúc đã khóc vì nhớ bố mẹ. Chị Vũ Bích Thuận kể: "Nhiều đêm, trước khi ngủ, cháu nhỏ (4 tuổi) giục cháu lớn gọi điện cho bố mẹ. Có lần xem ti vi, nhìn thấy bố, cháu thốt lên "Bố ơi!". Nhiều lúc bé bướng, tôi hoặc bà ngoại vỗ về cháu, rằng nếu ngoan thì bố sẽ về, thế là cháu răm rắp ngay. Cháu lớn (9 tuổi) biết nhiều hơn, bỏ qua các chương trình thiếu nhi để dành thời gian theo dõi tin tức thời sự về Biển Đông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi liên lạc được với bố, câu đầu tiên cháu hỏi là "bố có khỏe không, bố có tăng cân không" và nhắc "bố nhớ mặc áo phao". Nhìn hình ảnh, thấy bố gầy hơn lúc ở nhà, cháu nói với tôi rằng "con thương lắm, con mong bố khỏe để bố hoàn thành tốt nhiệm vụ và về với con".
Có con đang làm nhiệm vụ ngoài biển xa, ngôi nhà của bố mẹ thuyền trưởng tàu 2013 Hoàng Tuấn Anh, (Hải đội 201, vùng CSB2) tại ngõ Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) treo những tấm hình con, cháu mặc trang phục Hải quân. "Nhìn vào những bức hình đó, tôi có thể cảm nhận con mình đang ở rất gần, rất đỗi thân thương", bác Nga - mẹ thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Hậu phương vững chắc
Vượt lên nỗi nhớ chồng, nhớ con, những người mẹ, người vợ trong gia đình cán bộ, chiến sĩ CSB vừa hoàn thành tốt công việc xã hội, vừa đảm đương vai trò trụ cột gia đình. Chị Lã Hải Vân - "hậu phương" của thủy thủ trưởng Ngô Vĩnh Hòa, đang thực hiện nhiệm vụ trên tàu CSB 8001, cho biết, anh chị kết hôn được 13 năm, nhưng thời gian ở cạnh nhau vỏn vẹn ba năm. Gia đình nhỏ có hai con trai, cháu lớn mắc chứng tự kỷ, cháu nhỏ mới lên hai, đều cần người chăm sóc mà chị làm giáo viên tại Trường Mầm non 1-5 (phường Đông Khê - Ngô Quyền - Hải Phòng) nên thường đi sớm, về muộn. Hằng ngày, chị Vân thức dậy từ mờ sáng để chuẩn bị bữa sáng cho các con, đưa cháu lớn đi học, gửi con nhỏ cho bà nội và đến nơi làm việc trước 6h30. Chiều về, chị lại tất bật đón con và chăm sóc chúng. Để biết tin tức về tình hình Biển Đông và người chồng thân yêu, chị tranh thủ đọc báo vào giờ nghỉ trưa, xem chương trình thời sự phát lại vào cuối ngày. "Vất vả vô cùng nhưng so với nhiệm vụ cao cả mà các anh đảm nhiệm, sự hy sinh của những người vợ chiến sĩ CSB như chúng tôi đâu có thấm tháp gì. Tôi tin, không riêng gì tôi mà tất cả phụ nữ Việt Nam luôn sẵn lòng đảm đương công việc gia đình, làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó".
Qua lời kể rưng rưng xúc động của gia đình thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh, chúng tôi được biết vợ anh, chị Phạm Thị Huyền Trang đang mắc bệnh nặng, con trai của họ còn nhỏ. Để Hoàng Tuấn Anh yên tâm thực hiện nghĩa vụ cao cả đối với Tổ quốc, hai bên gia đình nội ngoại trở thành điểm tựa vững chắc cho con cháu. Chia sẻ về người thuyền trưởng trẻ tuổi, bác Nga nói: "Hoàng Tuấn Anh sinh năm 1983, là con trai duy nhất của gia đình. Lớn lên, Hoàng Tuấn Anh chọn con đường mà người cha đáng kính đã đi, trở thành CSB xuất sắc. Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn lấy chồng là bộ đội hải quân, cho con nối nghiệp cha. Sau này, nếu cháu đích tôn của tôi muốn nối nghiệp cha ông, tôi là người đầu tiên ủng hộ. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, tôi muốn nhắn nhủ với con trai rằng, con cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Tất cả luôn ở bên các con. Vận mệnh mỗi gia đình gắn liền với vận mệnh quốc gia. Tổ quốc bình yên thì gia đình mới hạnh phúc".
Sự vất vả của các chiến sĩ đang kiên gan nơi đầu sóng ngọn gió, tất cả vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không thể diễn tả hết bằng lời. Nỗi nhớ, niềm thương về người thân ngoài biển xa luôn thường trực trong những người mẹ, người vợ, người con của các cán bộ, chiến sĩ CSB, kiểm ngư. Hơn tất cả, họ luôn tự hào về người con, người chồng, người cha… của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.