(HNMCT) - Từ lâu, thế giới đã nói nhiều về “tính cách Nga” với thái độ trân trọng, kính phục. Người Nga được xem là một dân tộc trí tuệ, mạnh mẽ và luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Tất cả những điều ấy được giáo dục, hình thành từ trong gia đình, được bồi đắp, mở rộng khi bước ra xã hội.
Người Nga rất chú trọng xây dựng văn hóa gia đình. |
Nhà thơ Nga Mikhail Lvovich Matusovsky (1915-1990) trong bài thơ Tổ quốc bắt đầu từ đâu? đã lý giải bằng hình tượng thơ: “Tổ quốc bắt đầu từ bức tranh được xem từ nhỏ/ Từ những người bạn tốt vẫn cùng ta/ Thường đi học và chơi chung một phố...” (bản dịch của Thái Bá Tân). Độc giả Việt Nam đặc biệt thích thú và đồng cảm khi nhà thơ viết: “Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu/ Từ bài hát mẹ ta ru âu yếm/ Từ những cái ta quyết giữ vẹn tròn/ Cả trong những giờ khó khăn nguy hiểm”.
Năm 1968, bài thơ trên được nhạc sĩ Veniamin Efimovich Basner phổ nhạc, chuyển thể thành bài hát cùng tên trong bộ phim Thanh gươm và lá chắn.
Bài thơ và ca khúc tiếp tục được nhiều người yêu thích. Năm 2010, Tổng thống Nga Vladimir Putin (khi ấy đang là Thủ tướng) đã lên sân khấu dạo piano ca khúc này trong một buổi biểu diễn từ thiện, và ông nói: “Tôi tin là tất cả chúng ta đều hiểu rõ rằng, ta chỉ có thể xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và Tổ quốc bằng chính những nỗ lực của mình, và bằng cách hợp tác cùng nhau”.
Những điều ấy đã phần nào khẳng định một chân lý đối với người Nga: Tổ quốc bắt đầu từ gia đình. Gia đình sinh ra các thế hệ, nuôi dưỡng họ từ lúc lọt lòng, tạo nền móng ban đầu rất bền vững để họ tự tin bước vào đời.
Nhiều thế hệ người Nga đã đúc kết triết lý về cuộc sống gia đình. Sau khi kết hôn, mọi thứ đối với đôi vợ chồng trẻ trong giai đoạn “hương lửa đương nồng” đều trôi chảy, nhưng dần dần đã thay đổi theo nhiều chiều hướng. Với những cặp đôi xây dựng gia đình từ tình yêu bền chặt với những kỷ niệm sâu sắc và những cảm xúc mạnh mẽ thì mỗi ngày chung sống là thêm một ngày vui. Các thành viên đều hướng vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình, coi gia đình là nơi cùng hưởng hạnh phúc. Nhưng, cũng có không ít gia đình đã thay đổi theo chiều ngược lại. Ban đầu chỉ là sự biến mất dần dần những cử chỉ, hành vi đáng yêu lúc chưa về chung một nhà, còn sau đó là phân chia công việc, xét nét, giận dỗi nhau nhiều khi vô cớ... Rồi còn rất nhiều vấn đề khác có thể làm rạn nứt gia đình như sức khỏe, bệnh tật, sự hòa hợp sau hôn nhân, ngân sách gia đình, chuyện nuôi dạy con cái...
Sau rất nhiều thời gian, người Nga đã rút ra được những bài học sâu sắc. Một chuyện thường thấy như vợ chồng đều đi làm, có công việc riêng, có mục tiêu riêng... cũng phải có sự nhìn nhận chung để tránh xung đột. Nếu người chồng thành đạt, mọi chuyện có vẻ bình thường, tức là ổn nhưng nếu ngược lại thì có thể phát sinh nhiều chuyện. Một phụ nữ là lãnh đạo ở cơ quan, có thu nhập cao, khi về nhà vẫn làm đúng vai trò người mẹ, người vợ - ắt sẽ chẳng có chuyện gì, nhưng nếu vẫn “quen vai” lãnh đạo thì sớm muộn cũng “tan cửa nát nhà”. Bài học được rút ra là: Gia đình là tổ ấm, xây đắp thì khó nhưng phá hủy thì dễ, sau đó muốn xây dựng lại thì khó khăn gấp bội, thậm chí không thể. Vậy nên cần phải chấp nhận một thực tế là không thể có gia đình hoàn hảo. Nếu có khúc mắc, mâu thuẫn, xung đột thì cần hòa giải và coi đó là chuyện bình thường trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Tất nhiên, khi đó mỗi bên phải biết nén mình lại, vì cái chung của gia đình mà giải quyết mọi chuyện khúc mắc, mâu thuẫn.
Người Nga cũng cho rằng, sự tính toán quá mức, thái độ quá nghiêm túc trong hôn nhân hoặc đặt mục đích xây dựng gia đình toàn vẹn... thực chất là sai lầm. Khi anh nỗ lực để làm cho hạnh phúc gia đình toàn vẹn, anh có thể bất chấp nhiều thứ, có thể bỏ qua việc thiện. Mỗi người tuy là thành viên của một gia đình nhưng còn là thành viên của cộng đồng xã hội nên không thể ích kỷ mà phải nhớ rằng: Gia đình mình luôn mong muốn và cố gắng đạt tới hạnh phúc thì các gia đình khác cũng như vậy. Sự chen lấn, tranh đuổi, chụp giật... cuối cùng cũng sẽ phải trả giá.
Người Nga quan niệm, gia đình là nơi người ta có thể làm mọi thứ mình muốn, thể hiện đúng bản ngã của mình, nhưng gia đình cũng là nơi người ta phải biết hy sinh cái tôi để yêu thương, nhường nhịn những người thân yêu nhất của mình. “Mỗi nhà mỗi cảnh”, hạnh phúc gia đình được cảm nhận bởi chính các thành viên trong gia đình đó, không phải bằng cách so sánh với các gia đình khác. Tuy nhiên, mọi gia đình đều phải hướng tới mục tiêu phát triển mọi mặt, không thể bằng lòng với mục tiêu thiên lệch, chỉ thiên về “tình” hay chỉ thiên về “tiền”.
Mặc dù trải qua nhiều biến cố như Chiến tranh thế giới thứ I, Chiến tranh thế giới thứ II, Chiến tranh Lạnh, xung đột sắc tộc..., đặc biệt là thời kỳ khó khăn và hỗn loạn khi Liên bang Xô viết tan rã, nhưng rồi nước Nga, dân tộc Nga đã vươn dậy rất nhanh và mạnh mẽ, mà nguyên nhân đáng kể là nhờ tinh thần Nga, tính cách Nga được khơi dậy, phát huy từ trong mỗi gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.