(HNM) - Thời gian qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với nhiều địa phương triển khai tổ khuyến nông cộng đồng và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ nông dân, hệ thống khuyến nông cơ sở, doanh nghiệp... Mô hình mới này bước đầu mang lại hiệu quả, có thể đáp ứng yêu cầu về ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, hình thành liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản.
Cầu nối giúp gia tăng giá trị nông sản
Tổ khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã và nhà quản lý, doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững... Hiểu rõ vai trò này nên thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành quyết định thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, cùng các quy chế hoạt động theo kèm. Đơn cử như tại Hải Phòng, trong vòng 1 năm trở lại đây, thành phố này đã thành lập được 135 tổ khuyến nông cộng đồng. Mô hình này bước đầu đã giúp nông dân phát huy tối đa giá trị canh tác, tạo luồng gió mới cho nông nghiệp đất Cảng.
Tại xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) - nơi có diện tích lúa gieo trồng đạt 347ha/vụ, bà Nguyễn Thị Dung, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Ngũ Phúc cho biết, sau khi tham gia tổ khuyến nông cộng đồng, bà được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, từ việc diệt chuột, cấy lúa theo phương pháp thông minh, tiết kiệm… đến tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản làm sao cho bền vững. "Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hay đổ vỡ có nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân là người dân chưa tuân thủ triệt để những cam kết chung, dẫn đến hợp tác không bền vững. Việc thành lập tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đã khắc phục được tình trạng này", bà Nguyễn Thị Dung nói.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh hiện nay, nước ta cần có đội ngũ khuyến nông cộng đồng để đảm đương nhiệm vụ khuyến nông, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đội ngũ khuyến nông không chỉ dạy cách trồng trọt, chăn nuôi mà phải hướng dẫn người nông dân nâng cao giá trị nông sản như phương pháp thu hoạch, bảo quản, sơ chế, cách mua bán sao cho được giá tối ưu. Do đó, ngày 25-3-2022, Bộ đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông”, trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. "Khuyến nông không chỉ là khuyến khích sản xuất nông nghiệp mà còn khuyến khích tổ chức lại đời sống nông thôn, thay đổi nhận thức nông dân. Vì thế, đội ngũ khuyến nông cộng đồng phải kết nối mọi khâu sản xuất nông nghiệp để hình thành chuỗi giá trị...", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nâng cao tiêu chí khuyến nông cộng đồng
Phó Giám đốc Hợp tác xã rau Vinh Hà (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Nhung cho biết, nòng cốt của tổ khuyến nông cộng đồng là những người có trình độ, chuyên môn. Bởi, ngoài chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân, hợp tác xã rất cần được tư vấn, thông tin về thị trường, giá cả, nơi bán sản phẩm; hướng dẫn về ứng dụng công nghệ số; tư vấn phát triển ngành nghề nông thôn...
Thông tin rõ hơn về hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, theo Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà, tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động dưới sự quản lý của địa phương nhưng chuyên môn thì theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh, thành phố. Thành phần tham gia tổ khuyến nông cộng đồng gồm khuyến nông viên cơ sở; cán bộ, công chức xã được phân công phụ trách thôn; cán bộ thôn; nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại sản xuất nông nghiệp... Cán bộ khuyến nông trong tổ sẽ giúp thành viên thực hiện tốt về chuyên môn kỹ thuật, là "cánh tay nối dài" của khuyến nông để truyền tải thông tin, kỹ thuật canh tác hiệu quả đến thành viên trong tổ.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, việc thành lập tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những điều kiện trong bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, rất cần thiết đối với xu thế phát triển nông nghiệp. Ngoài nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp do cấp có thẩm quyền giao, tổ khuyến nông cộng đồng còn có hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái…
Thời điểm này, cơ bản các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đạt tiêu chí nông thôn mới. Do đó, các tiêu chí khuyến nông của thành phố Hà Nội cần được nâng cao hơn nữa. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, các tổ khuyến nông cộng đồng cần được đầu tư về phương tiện, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn và kinh phí hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa để hỗ trợ đắc lực cho nông dân sản xuất bền vững, góp phần cùng với địa phương thực hiện hiệu quả phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.