Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tố Hữu - nhà thơ của dân tộc

Nguyễn Điệp Hoa| 04/10/2010 14:36

(HNMO)- Trong số các nhà thơ tính từ phong trào thơ mới đến nay, Tố Hữu là nhà thơ duy nhất trả lời trọn vẹn được hai câu hỏi: Anh là ai và thời đại anh sống là thời đại nào? Ông cũng là nhà thơ duy nhất có một giọng điệu thơ nhất quán: Thơ chỉ là chỗ cho cái chung, hay nơi gặp nhau của cái riêng và cái chung.

Tại cuộc hội thảo “Tố Hữu - Thân thế và Sự nghiệp” do Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 4/10/2010. (Ảnh: Thúy Mơ/ Vietnam+)

(HNMO)- Trong số các nhà thơ tính từ phong trào thơ mới đến nay, Tố Hữu là nhà thơ duy nhất trả lời trọn vẹn được hai câu hỏi: Anh là ai và thời đại anh sống là thời đại nào? Ông cũng là nhà thơ duy nhất có một giọng điệu thơ nhất quán: Thơ chỉ là chỗ cho cái chung, hay nơi gặp nhau của cái riêng và cái chung.

Ông là người cách mạng làm thơ và coi thơ cũng là một nhiệm vụ cách mạng. Hay nói một cách khác: Ông là người cách mạng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Thơ ông là tiếng nói toàn tâm toàn ý vì cách mạng và sinh ra như chỉ để phục vụ cách mạng.

Cho nên, trong Bài ca xuân 61, ông mới viết:

Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu…


Cứ lấy ý tứ mà suy thì Tố Hữu chỉ dành tình cảm cho cái riêng (em yêu) chỉ chiếm 1/3 trái tim tươi đỏ của ông, còn hai phần nữa ông dành cho Đảng và cho thơ. Nhưng Đảng và thơ đối với ông, cũng chỉ là một. Bởi vậy, trái tim tươi đỏ của ông có đến 2/3 là dành cho Đảng, dành cho thơ viết vì cách mạng.

Cuộc đời Tố Hữu nói chung và cuộc đời thơ của Tố Hữu nói riêng có bước ngoặt quan trọng từ “Từ ấy”.

Ngay trong Từ ấy, Tố Hữu đã xác định một cách thật rõ ràng và xác tín:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bào hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là anh của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…

Vậy đó, từ khi còn rất trẻ, Tố Hữu đã lãnh trách nhiệm tranh đấu, lãnh trách nhiệm phản kháng trước những bất công, cường quyền. Ngay từ hồi ấy, khí chất thơ, giọng điệu thơ của ông đã định hình, bộc lộ hết sức rõ nét:

Quyết chiến đấu! Nào, ta liên hiệp lại
Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng!
Ngày mai đây, tất cả sẽ là chung
Tất cả là vui và ánh sáng!
(Liên hiệp lại)

Và nó theo ông đến hết cuộc đời.

Theo tôi, Từ ấy không chỉ có chất thép mà còn có nhiều chất thơ. Có thể thấy rõ điều này qua Từ ấy, Tiếng sáo ly quê, Nhớ đồng…mà tiêu biểu là những câu:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò
Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi.
(Nhớ đồng)

Đây cũng là 4 câu thơ đậm chất thi sĩ.

Thời đại Tố Hữu sống là thời đại của những cuộc tranh đấu, của những cuộc cách mạng diễn ra trên một quy mô lớn và mang tính đối kháng triệt để. Đó là thời đại mà vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước luôn được coi là lý tưởng của toàn xã hội. Đó là thời đại mà con người ta không được phép bi quan và không được phép nghĩ về mình. Đó là thời đại buộc mà con người vui lòng sống và chiến đấu vì những cái chung nhất. Tố Hữu đã mang tâm thế ấy, cũng là tâm thế chung của toàn xã hội để chuyển hóa thành thơ.

Rất nhiều bài thơ của Tố Hữu đều lấy cảm hứng từ những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, hoặc được viết từ cảm hứng lịch sử lớn. Có thể kể tên: Hồ Chí Minh, Huế tháng tám, Sáng tháng năm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc, Trên miền bắc mùa xuân, Phạm Hồng Thái, Người con gái Việt Nam, Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca xuân 61, Mẹ Tơm, Hãy nhớ lấy đời tôi, Bài ca xuân 68, Bác ơi, Theo chân Bác, Việt Nam máu và hoa, Nước non ngàn dặm, Toàn thắng về ta, Vui thế hôm nay…

Ta có thể bắt gặp sự hào sảng trong Ta đi tới, sự sâu lắng trong Sáng tháng năm, sự bay bổng trong Nước non ngàn dặm…Ôm trùm lên tất cả là nguồn cảm xúc dồi dào, mạnh mẽ và chân thật một cách tự thân, một niềm tin tuyệt đối về con đường mình đi.

Thơ Tố Hữu thường có một kết cấu liền mạch và hanh thông theo sự kêu gọi và tiếp nối của cảm xúc, nhuần nhuyễn giữa nội dung và hình thức.

Đây là những câu thơ khá tiêu biểu:

Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang tám thước
……………………………………….
Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!

Ai qua Phú Thọ
Ai xuôi Trung Hà
Ai về Hưng Hóa
Ai xuống khu Ba
Ai vào khu Bốn
Đường ta đó tự do cuồn cuộn
Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi
Sông Thao nao nức sóng dồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền…

Thơ Tố Hữu có ảnh hưởng lớn trong lòng người đọc theo từng thời điểm và đôi khi có vai trò đầu tàu đối với các nhà thơ. Tôi nhớ sau khi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường vào ngày 15 – 10 – 1964, Tố Hữu đã khởi phát bằng bài Hãy nhớ lấy lời tôi. Sau đó, nhiều nhà thơ đã có những bài thơ viết hưởng ứng theo ông. Cũng không lâu sau đó, có một nhà xuất bản đứng ra in một tập thơ của nhiều tác giả mang tên Hãy nhớ lấy lời tôi. Nhưng chỉ có bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi là hay nhất, có giá trị nhất, truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất.

Cho đến trước thời kỳ Đổi mới, thơ Tố Hữu luôn cập nhật và gắn kết sâu sắc với thời cuộc. Có lẽ với cách cảm luôn tươi mới nên ông luôn có những bài thơ tuy được viết tức thì nhưng vẫn có tuổi thọ dài lâu. Có thể kể tên: Với Lê-nin, Em ơi…Ba Lan…, Ê-mi-ly, con…

Đây là những câu thơ có nhịp điệu và âm vang cộng với sự ngân nga, thánh thót không dứt:

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm một tiếng đàn…

Tố Hữu cũng là người rất thành công khi viết những bài thơ các thể truyền thống như lục bát, song thất lục bát hoặc trộn lẫn chúng trong thể tự do hết sức uyển chuyển. Ông cũng là người có nhiều thơ lục bát đến mức kỷ lục. Có thể kể tên: Tiếng hát sông Hương; Tiếng sáo ly quê; Khi con tu hú; Đông; Cảm thông; Tiếng hát đi đày; Đêm giao thừa; Tiếng hát trên đê; Võ bờ; Đói! Đói!; Trường tôi; Phá đường; lên Tây Bắc; Bà Bủ; Bầm ơi; Mưa rơi; Bài ca người du kích; Cho đời tự do; A-liêu-sa nhớ chăng?; Sáng tháng năm; Nếu thầy mẹ chết; Việt Bắc; Xưa…nay…; Chị là người mẹ; Đường sang nước bạn; Ba mươi năm đời ta có Đảng; Tiếng ru; Nhật ký đường về; Tiếng hát xuân sang; Đường vào; Kính gửi cụ Nguyễn Du; Mẹ Suốt; Xuân sớm; Gửi người đi Pa-ri; Chuyện em…; Cây hồng; Thăm trại Ba Vì; Nước non ngàn dặm; Bài ca quê hương; Phút giây…; Mừng thọ bác Nguyễn Phan Chánh; Làng Thượng; Ngày và đêm; Đêm xuân 1985; Xta-lin-grat anh hùng; Phồn Xương; Đêm thu quan họ; Hà Trung; Luy Lâu; Cẩm Thúy; Ngọc Lặc; Như Xuân; Nông Cống; Tĩnh Gia; Hoằng hóa; Hậu Lộc; Vườn nhà; Dưỡng sinh; Nhớ Chế Lan Viên; Một thoáng Cà Mau; Đêm trăng Năm Căn; Đồng Thoại Sơn; Nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân; Chợ Đồng Xuân; Mới; Lạ chưa?; Vườn cam Tường Lộc; Đồng Tháp Mười; Tằm tơ Bảo Lộc; Xuân hành 92…Trong số này có nhiều bài lục bát, song thất lục bát dài kỷ lục như Việt Bắc; Nước non ngàn dặm, 30 năm đời ta có Đảng…

Trong ngần ấy câu lục bát của Tố Hữu không hề có câu nào non, lép, gượng ép. Tôi thích những câu:

Anh về, cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về, sáo lại ái ân…

hoặc:
Mấy anh lính trẻ ngây thơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi…

và:
Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên…

Trong số những bài thơ ngắn 4 câu, ít nhất Tố Hữu có hai bài thơ thuộc diện kiệm lời, sâu sắc và hàm chứa:

QUA LIỄU CHÂU

Tàu qua ga Liễu Châu
Bác xưa tù nơi đâu
Đêm rét, tê xiềng xích
Thương nước, dài tóc râu.

PHẠM HỒNG THÁI

Sống, chết, được như anh
Thù giặc, thương nước mình
Sống, làm quả bom nổ
Chết, như dòng nước xanh!

Đặc biệt, thơ Tố Hữu có những câu đã trở thành khẩu hiệu hành động của một thời, trở thành câu cửa miệng của nhiều thế hệ: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Và ít nhất, còn một câu nữa gắn với niềm hân hoan, hứng khởi mỗi khi ta được chứng kiến một cảnh tượng gây một sự ngạc nhiên nào đó trong một hoàn cảnh, một điều kiện nào đó: Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!

Tố Hữu là nhà thơ luôn gắn số phận mình với số phận dân tộc, thơ ông là một bộ phận không thể tách rời của văn học cách mạng. Ông là đại diện tiêu biểu nhất của một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc trong lĩnh vực văn học.

Có thể giờ đây, lịch sử đã sang ngả khác và tâm thế thời đại cũng đã đổi khác. Nhưng lịch sử dân tộc trong một giai đoạn đặc biệt đã được ghi lại cao cả, hào sảng và tuyệt đẹp trong thơ Tố Hữu ở thời đại ông. Đó là điều không thể phủ nhận.

Với sức tác động lớn đến hàng triệu con tim, khối óc và mãi mãi còn để lại dấu ấn trong văn học sử nước nhà, tôi tin rằng Tố Hữu mãi được nhớ đến như là một nhà thơ của dân tộc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tố Hữu - nhà thơ của dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.