(HNMCT) - Nhắc đến Tô Hoài, không ai không nhớ đến Dế mèn phiêu lưu ký. Song, mảng văn dành cho thiếu nhi của Tô Hoài không chỉ có Dế mèn phiêu lưu ký, ông còn rất nhiều tác phẩm khác mà bộ Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi - Tô Hoài mới ra mắt có thể được coi là tuyển tập đầy đủ nhất tác phẩm viết cho trẻ em của ông. Trong đó, có một số tác phẩm chỉ xuất hiện trên Tạp chí Truyền bá của Nhà xuất bản Tân Dân từ những năm 1941 - 1942 nay mới được sưu tầm và đưa vào sách.
Bộ Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi - Tô Hoài gồm 4 cuốn dày dặn. Ở tập 1 chủ yếu là các truyện ngắn, truyện vừa và kịch. Đây là các truyện đồng thoại với nhân vật là những loài vật gần gũi với trẻ thơ, từ chú mèo già, bạn gà nhép, chó vện, ngựa con đến chim chích, hươu, nai, gấu, khỉ. Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu một số truyện “hiếm thấy khó tìm” của nhà văn Tô Hoài, như “Con dế mèn” - “tiền thân” của truyện dài Dế Mèn phiêu lưu ký, các truyện mới sưu tầm như Bốn con chó, Bốn con nỡm ấy đi du lịch...
Phần kịch gồm hai vở là Con mèo lười và Tích tịch tình tang giàu tình thương yêu của nhà văn.
Đời sống sinh hoạt, hiện thực xã hội với nhiều nhân vật trẻ em là nội dung mảng truyện được giới thiệu trong tập 2 - Truyện sinh hoạt. Như một “thư ký” cần mẫn của hiện thực, nhà văn Tô Hoài đã “làm bạn với tuổi thơ” qua nhiều tác phẩm có nhân vật là trẻ em và hướng về trẻ em. Đó là những truyện ngắn Mực tàu giấy bản, Ghẻ đặc biệt, Nói về cái đầu tôi, U Tám, Cu Lặc, Vợ chồng trẻ con... viết trước năm 1945; các truyện vừa, truyện dài như Tính ác, Hai ông cháu và đàn trâu, Hợp tác xã của chúng em, Chim hải âu, Một mình kể chuyện...
Nếu Truyện các gương anh hùng cách mạng ở tập 3 kể về những anh hùng, liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng người dân tộc thiểu số, gương thiếu niên dũng cảm từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi tới miền ngược, từ thành đô tới chiến khu như Kim Đồng, Vừ A Dính, Hoàng Văn Thụ... thì Chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích ở tập 4 kể lại những truyện cổ tích, dân gian bằng văn phong giản dị nhưng giàu mê lực. Những sự tích, truyện thần tiên, nhân vật lịch sử, truyện của các dân tộc thiểu số hiện ra dưới ngòi bút nhà văn mang đến sự mới mẻ và thú vị cho độc giả. Với nhà văn Tô Hoài, “Cổ tích mang diện mạo và tâm hồn người. Mọi mặt gốc gác, nền nếp và truyền thống đều in hình bóng tuyệt vời trong cổ tích. Nghe cổ tích, ngẫm cổ tích, thấy được và cắt nghĩa được tất cả cơn cớ ta tồn tại, ta sinh sôi”.
Bộ sách do NXB Kim Đồng giới thiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.