Sau khi nghe lãnh đạo TP Hà Nội báo cáo kết quả các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long năm 2009, nhiệm vụ năm 2010, đề xuất, kiến nghị và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu kết luận và chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm. Báo Hànộimới xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Ngày 26-1-2010, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2010 của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Sau khi nghe lãnh đạo TP Hà Nội báo cáo kết quả các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long năm 2009, nhiệm vụ năm 2010, đề xuất, kiến nghị và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu kết luận và chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm. Báo Hànộimới xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng, một trong những công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Thu Thủy
Các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện từ năm 1998; vào năm 2000 đã tổ chức kỷ niệm 990 năm và năm 2005 kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, thời gian qua Thủ đô Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện tốt kế hoạch chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ban Chỉ đạo quốc gia đánh giá cao công tác chuẩn bị các hoạt động cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của thành phố Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương, các hoạt động đã được triển khai tích cực, đồng bộ, đạt hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực, khơi dậy tình cảm, tấm lòng, trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế với Thăng Long - Hà Nội 1000 năm.
Nhiệm vụ trong năm Đại lễ 2010 là phải tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ, dấu ấn sâu sắc trong nhận thức và hiểu biết của người dân Thủ đô, đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa lịch sử, cũng như những nỗ lực, cố gắng của Thủ đô Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam và Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Nhất trí cơ bản với các kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện thời gian tới đã được nêu trong báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý tập trung vào một số nội dung sau:
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phải được nghiên cứu chắt lọc, nâng cao chất lượng nội dung, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, làm cho mỗi người dân Hà Nội cảm nhận được niềm tự hào là công dân của Thủ đô, từ đó cùng chung tay góp sức giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, lịch sử hào hùng của Thủ đô "Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình". Công tác tuyên truyền, quảng bá về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cần lồng ghép hài hòa trong các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010, tránh phô trương, hình thức.
2. Yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các cơ quan, đơn vị có trụ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến hành chỉnh trang khuôn viên, trụ sở cơ quan làm việc. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo vận động và tổ chức để các gia đình, mọi người dân hưởng ứng và tích cực tham gia làm sạch đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, đường phố, góp phần làm đẹp bộ mặt Thủ đô; có kế hoạch tăng cường bố trí hoa, cây xanh tại những điểm diễn ra lễ hội, những tuyến đường giao thông chính; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan; lập phương án bảo đảm an toàn, thông suốt giao thông trong những ngày diễn ra các hoạt động kỷ niệm và 10 ngày cao điểm từ ngày 1-10 đến 10-10-2010.
3. Bộ Ngoại giao đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động UNESCO công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới; tuyên truyền quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại nước ngoài; phối hợp với thành phố Hà Nội xây dựng kịch bản chi tiết công tác lễ tân đón khách trong nước, quốc tế về dự Đại lễ kỷ niệm.
4. Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội thành viên phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động vận động sáng tác về đề tài kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và các cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của trung ương và Hà Nội; lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để dàn dựng, công diễn trong dịp này, đồng thời tiếp tục cổ vũ, vận động sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị để công bố, triển lãm, giới thiệu vào dịp Đại lễ kỷ niệm.
5. Đối với các công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu chủ đầu tư tập trung triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch.
6. Về việc gắn biển hiệu mang tên "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" cho các công trình của các địa phương: UBND thành phố Hà Nội (Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long) cắn cứ quy chế gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để thực hiện.
7. Về kịch bản, chương trình các hoạt động kỷ niệm trong năm 2010: cần đặc biệt tập trung vào các hoạt động từ ngày 1-10 đến ngày 10-10-2010. Bộ phận Thường trực (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội) rà soát kỹ lưỡng, cụ thể việc xây dựng kịch bản, bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra sai sót về mặt nội dung; xây dựng kế hoạch chi tiết, thời gian tiến độ thực hiện; thống nhất đề xuất địa điểm tổ chức đêm hội văn hóa nghệ thuật vào tối ngày 10-10-2010 trình Ban chỉ đạo quốc gia phê duyệt.
8. Việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long: tranh thủ, vận động tối đa sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nhưng phải có kế hoạch, nội dung thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí tiêu cực.
9. Các tiểu ban chủ động xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Giao Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chuẩn bị nội dung, điều kiện bảo đảm phục vụ cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia, nhất là nội dung các cuộc họp giao ban đột xuất để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai công việc.
10. Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc khâu nối gắn kết hoạt động các tiểu ban, các bộ, ngành, địa phương, kịp thời tham mưu đề xuất với thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long giải quyết những khó khăn vướng mắc của các địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
11. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.