Sáng 3-4, tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ truy điệu và tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh...
Lễ truy điệu theo nghi thức lễ tang cấp cao Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Ảnh: VOV |
Hàng nghìn chư tôn giáo phẩm, môn đồ pháp quyến, tăng, ni, phật tử cùng với lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, TP Hồ Chí Minh… đã tập trung tại chùa Vạn Đức để thực hiện các nghi lễ truyền thống, lễ truy niệm, tưởng niệm và phụng tống kim quan giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh vào bảo tháp nằm trong khuôn viên chùa Vạn Đức.
* Cùng ngày, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Hội đồng Trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tổ chức lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Tham dự có Ủy viên BCT, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình, đại diện các ban, ngành và đông đảo tăng, ni, phật tử các tỉnh, thành phố phía Bắc…
Tại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã bày tỏ sự tri ân công lao to lớn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đối với sự nghiệp thống nhất Phật giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, kế thừa truyền thống 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, với cương vị lãnh đạo trong Giáo hội, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã dành nhiều tâm huyết, công sức xây dựng, củng cố GHPGVN ngày càng phát triển, vững mạnh trên mọi phương diện, khẳng định vị thế của GHPGVN trên trường quốc tế. Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh, Đại lão Hòa thượng là bậc cao tăng đại đức, trọn đời vì đạo pháp, dân tộc; là nhà giáo dục mô phạm, có công lao to lớn trong giáo dục, đào tạo các thế hệ tăng, ni, tài đức của Phật giáo nước nhà. Đại lão Hòa thượng cũng là bậc thầy trong công tác phiên dịch kinh điển Đại Thừa, được vinh danh là người dịch kinh Đại Thừa nhiều nhất Việt Nam, biên soạn nhiều kinh sách bằng tiếng Việt có giá trị để tăng, ni, phật tử tu học, rèn luyện, trở về với cội nguồn giáo lý nhà Phật…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.