Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tờ báo duy nhất ra đúng ngày giải phóng Thủ đô

Thọ Cao| 07/10/2012 04:34

(HNM) - Giữa trưa ngày 15-7-1999, chuông điện thoại đổ hồi. Đầu dây đằng kia, nhà báo Yên Thao

(HNM) - Giữa trưa ngày 15-7-1999, chuông điện thoại đổ hồi. Đầu dây đằng kia, nhà báo Yên Thao "phôn" cho tôi biết:
- Sáng qua, 14-7, đúng ngày sinh, ông Hiền Nhân đi cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng hôn mê.

Bốn hôm sau, vào cuối chiều ngày 18-7, tôi nhận được tin gia đình báo cho biết ông qua đời ở tuổi 92, một ký giả nhiều tuổi nhất của làng báo Hà Nội và cả nước.

Đêm ấy, bên bàn viết, tôi nhớ tới hơn 10 năm làm việc với ông ở Báo Thời mới với nhiều kỷ niệm không thể quên. Những chuyện ông kể trong những ca trực đêm vẫn còn in đậm trong trí nhớ tôi…

"Năm 1932, tôi dạy ở Trường Tiểu học tư thục thị xã Bắc Ninh. Tháng 4 năm ấy, tôi đang chờ mua vé xem chiếu bóng, thấy hai tên đội sếp đánh mắng một ông già, rồi đạp đổ chiếc xe cút kít ông đang chở, làm vỡ hết những tiểu và chậu sành, vì chúng nghi ở trong giấu thuốc phiện hoặc truyền đơn. Bất bình, tôi viết bài "Cũng một kiếp người", ký tên thật Trọng Quỳnh, gửi đăng Báo Đông Pháp ở Hà Nội, lúc đó trụ sở ở chỗ nhà hàng Bô-đê-ga phố Tràng Tiền bây giờ. Bài được đăng ở mục "Chuyện đời" số ra ngày 15-5-1933. Sau đó, tôi làm thông tin viên cho Đông Pháp trong 4 năm (1933-1936) rồi được mời về Hà Nội làm phóng viên. Tôi vào nghề báo như thế đó".

Vẫn theo lời ông Hiền Nhân, tới năm 1948, từ vùng kháng chiến Kinh Bắc, ông trở về Hà Nội tạm chiếm, làm cho Báo Ngày mới, sang năm 1949 làm thư ký tòa soạn nhật báo Tia sáng, trụ sở ở Hàng Bồ, sau dọn về 38 đại lộ Gia Long (nhà in Tạp chí Cộng sản, phố Bà Triệu hiện nay). Những bài trong mục "Tiếng vang" của ông ngày ấy đã phản ánh cuộc sống cơ cực của đồng bào sống trong vùng địch, đề cao ý nguyện đòi dân chủ, dân sinh, nhắc đến những người yêu nước.


Trụ sở Công ty In Tạp chí Cộng sản 38 phố Bà Triệu trước năm 1954 là trụ sở Báo Tia sáng.Ảnh: Bá Hoạt


Rồi ông bắt được liên lạc với cán bộ kháng chiến hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội. Nhà ông ở Hàng Vôi trở thành cơ sở kháng chiến, nơi gặp mặt, hội họp và cất giấu tài liệu. Bạch Diệp, cán bộ hoạt động nội thành, thường xuyên đến tòa soạn gặp ông, trao đổi công việc, nắm tình hình, coi như cộng tác viên đến đưa tin, bài đăng báo.

Tháng 5-1954, Pháp thua trận Điện Biên Phủ, phải rút khỏi miền Bắc. Tháng 6, chủ báo Ngô Vân bỏ vào Nam. Quản lý Phạm Trung Phổ, em vợ hắn, tuyên bố đóng cửa báo đến gần một tháng. Gần trăm con người, từ các ký giả Báo Tia sáng đến công nhân nhà in Bắc Hà, rơi vào cảnh mất việc. Ngày Giải phóng Thủ đô lại sắp tới gần. Không thể ngồi yên, một nhóm công nhân nhà in - trong đó có người có mối liên lạc với cán bộ hoạt động nội thành - đến nhà ông bàn việc giữ lại tờ báo. Sau đó, ông và một số đại biểu công nhân tới gặp người quản lý, dựa vào 16 điều của Ban quân quản đề ra, đấu tranh đòi tái bản báo, gọi phóng viên, công nhân trở lại làm việc như cũ, đón ngày giải phóng Thủ đô.

Giữa lúc người quản lý đang dùng dằng suy tính, ông Hiền Nhân lại cùng ông Nguyễn Bắc - cán bộ nội thành - sau này là Giám đốc Sở VHTT Hà Nội - tới nhà Phạm Trung Phổ, vận động ở lại Hà Nội và tiếp tục ra báo. Sau đó ít ngày, một chị giao liên trong đường dây bí mật đưa ông ra vùng kháng chiến ở Thường Tín. Sáng hôm sau, ông gặp các ông Vũ Quốc Uy và Nguyễn Thành Lê báo cáo tình hình và thảo luận mọi cách duy trì tờ nhật báo chào mừng ngày lịch sử.

Từ vùng tự do trở về nội thành tạm chiếm, ông lại gặp người quản lý tờ Tia sáng nói rõ thêm chính sách của Chính phủ. Sau ba lần kiên trì thuyết phục, Phạm Trung Phổ đã chấp nhận, thế là vào giữa tháng 9, Báo Tia sáng trở lại với bạn đọc Hà Nội.

Còn nhớ đêm 9-10-1954, phố phường Hà Nội vắng tanh, cửa hàng, cửa hiệu hai bên phố đóng chặt cửa. Quãng 3h sáng, một xe Jeep của bọn lính Tây phóng qua đại lộ Gia Long, thấy trong tòa báo máy in đang chạy ầm ầm, chúng xả một tràng đạn vào trụ sở, làm vỡ tan tấm kính dày trên cửa, may cho năm anh thợ máy in ca 2 gồm: Nguyễn Hữu Khương, Nguyễn Văn Thể, Lê Văn Mừng, Lê Cảnh Sinh, Bùi Hữu Đông, không ai việc gì.

5h sáng ngày 10-10-1954, báo in xong. Tờ Tia sáng đổi tên thành Thời mới. Gần trăm chú bé "báo ơ" đổ đến cửa tòa soạn nhận báo đi bán, tiếng rao thánh thoát ở các phố và năm cửa ô rực rỡ cờ hoa, cổng chào, đón mừng bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô.

Báo Thời mới, tờ nhật báo duy nhất của Thủ đô giải phóng, ra số đầu tiên chào mừng chiến thắng của quân dân ta, tập trung làm nổi cuộc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và bộ đội trở về sau bao ngày mong đợi. Ông Hiền Nhân được anh em cử làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

… Tôi đã vào thư viện Báo Hànộimới, tìm và xem lại số báo đầu tiên ấy. Trên trang nhất, dưới măng sét Thời mới, là dòng chữ: Chủ nhiệm kiêm quản lý: Hiền Nhân. Đầu đề lớn chạy suốt 8 cột báo: "Quân đội nhân dân đã vào tiếp thu Hà Nội". Dưới đầu đề lớn, có đầu đề nhỏ: "Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội đã thành lập: Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Trụ sở Ủy ban quân chính đặt tại Bắc Bộ Phủ". Những bài, tin nêu bật khí thế của quân dân ta và cả những điều mới lạ. "Thành phố Hà Nội mang một bộ mặt khác hẳn. Các anh bộ đội đầu đội mũ lá, chân đi dép cao su. Người nào cũng mang theo chăn, ca uống nước và vũ khí. Có những đơn vị mang đại liên, súng trường, ba-dô-ca. Có đơn vị mang theo cuốc, xẻng và khênh vác nhiều dụng cụ khá nặng. Cứ hai anh bộ đội khênh một bộ phận vũ khí, buộc vào một chiếc đòn tre rất dài"…

Là tờ báo tư nhân bước sang chế độ mới, Báo Thời mới chỉ có 10 ký giả nhưng đều là những người sống lâu trong nghề, có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ nên vẫn gánh vác được nhiệm vụ một tờ báo hằng ngày vốn đòi hỏi phải rất năng động. Báo Thời mới một thời chiếm được cảm tình của độc giả và nhân dân Thủ đô cũng như các thành phố lớn, là do báo biết tạo cho mình một bản sắc, đi đúng "gu" của người đô thị.

Trong nghị quyết về việc "Ra một tờ báo hằng ngày của Đảng bộ Hà Nội" do cố Bí thư Thành ủy Trần Danh Tuyên ký ngày 26-2-1957, có đoạn đánh giá về Báo Thời mới như sau: "… Tờ Thời mới sát với độc giả thành thị hơn, nêu được những vấn đề trong sinh hoạt thành phố (đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội), phản ánh được nhiều ý kiến của nhân dân, cũng như của cán bộ đối với các mặt sinh hoạt thành thị nên từ giữa năm 1956, sau cuộc vận động tự do, dân chủ trong nhân dân thành phố, số độc giả của Báo Thời mới tăng lên khá nhiều…".

Một niềm vui lớn còn nhớ đến bây giờ. Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng 3-2-1957, ông Hiền Nhân vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người hỏi chuyện về việc phát hành báo và động viên, khích lệ.

Sau 14 năm hoạt động, năm 1968, Báo Thời mới hoàn thành nhiệm vụ và hợp nhất với Báo Thủ đô Hà Nội thành Báo Hànộimới. Ông Hiền Nhân chuyển sang làm thường trực MTTQ Hà Nội, kết thúc 35 năm làm báo và nghỉ hưu năm 1970, được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tờ báo duy nhất ra đúng ngày giải phóng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.