Đường dây nóng

Tình trạng mua bán thuốc mê, thuốc ngủ công khai:Cần cơ chế kiểm soát nghiêm

Kim Vũ 15/03/2024 - 07:12

Theo quy định, các loại thuốc mê, thuốc ngủ được bán cho người cần sử dụng để chữa bệnh phải có chỉ định, đơn thuốc của bác sĩ.

Nhưng trên “chợ mạng”, các giao dịch liên quan đến thuốc mê, thuốc ngủ lại đang diễn ra công khai. Hệ lụy của việc này không dừng ở việc ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn là khởi nguồn cho nhiều vụ việc lừa đảo, vi phạm pháp luật.

thuoc-ngu.jpg
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân rối loạn giấc ngủ. Ảnh: Dương Liễu

Nhộn nhịp kinh doanh trên “chợ mạng”

Hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "thuốc mê, thuốc ngủ" trên internet thì có hàng chục loại để lựa chọn.

Tại trang web shopyeu24h.com, hàng chục sản phẩm gây mê dạng khí, gây mê thôi miên, xịt gây mê… được đăng có giá từ 450 nghìn đồng đến 1,6 triệu đồng. Như chai có giá 1,55 triệu đồng là dạng uống gây mê siêu tốc Delay sleep cao cấp USA, dung tích 10ml, có thể xịt được 10-15 lần, gây mê nhanh sau 3-7 giây, thời gian mê tối đa đến 8 giờ. Thuốc này hỗ trợ điều trị cho những trường hợp khó ngủ, mất ngủ, người đang bị căng thẳng, lo âu trong thời gian dài…

Trong vai một người muốn mua thuốc mê, phóng viên đã “lang thang” trên Facebook, click vào Fanpage “Thuốc mê” và ở đây có số điện thoại kèm lời rao bán đủ các loại từ thuốc mê. Còn trang web nhathuoc108.com bán thuốc mê Katamin HCL dạng nước giá 650 nghìn đồng; thuốc mê Nature’ Sleep chính hãng 680 nghìn đồng… Đặc biệt, nhà thuốc này còn bán thuốc thôi miên, thuốc lú thôi miên như thuốc Sopolanin 0,4mg có giá từ 710 nghìn đồng đến 1,9 triệu đồng, thuốc thôi miên dạng B-dream. Tại các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok…, hoặc các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki..., không khó để tìm mua các loại thuốc mê, thuốc ngủ, thôi miên.

Hình thức mua hàng trên các “chợ mạng” kể trên rất đơn giản. Tại trang web nhathuoc108.com , chỉ cần click vào hình ảnh thuốc mê dạng xịt Forane cao cấp giá 820 nghìn đồng và sau khi điền tên, địa chỉ giao sản phẩm, số điện thoại, hoàn tất thủ tục thanh toán thì đơn hàng đã được đặt thành công. Còn các sàn thương mại điện tử thì các quy trình mua hàng online chỉ đơn giản trong chưa đầy 1 phút.

Vừa gây hại sức khỏe, vừa tiếp tay cho hành vi phạm pháp

Các chuyên gia y tế cảnh báo, các loại thuốc nêu trên đều có chất gây nghiện.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Tiến Mạnh, trên thị trường hiện có nhiều thuốc có chế phẩm là dạng thuốc ngủ, thuốc gây mê. Thuốc được quản lý và bán theo đơn của bác sĩ tại các quầy thuốc, nhà thuốc đủ điều kiện cấp phép. Người bệnh khi sử dụng phải có chỉ định, kèm sự theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ. Song điều đáng lo ngại là nhiều người tự tìm mua thuốc để cải thiện giấc ngủ thay vì đi khám và uống thuốc theo hướng dẫn nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Ở liều thấp, thuốc có tác dụng an thần, liều trung bình là thuốc gây ngủ và liều cao là liều độc, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc triệu chứng về lo âu, trầm cảm do sử dụng thuốc ngủ kéo dài không theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân phải điều trị rất lâu do có xu hướng kháng (hay còn gọi là nhờn) thuốc an thần. Một số người bệnh mắc bệnh lý về gan, thận… rất nặng do tác dụng phụ của thuốc an thần. Thuốc cũng ảnh hưởng lớn đến thai nhi trong quá trình mẹ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu gây suy thai, dị dạng thai nhi.

Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng việc mua bán thuốc mê, thuốc ngủ quá dễ dàng đã sử dụng làm công cụ gây án. Điển hình, năm 2023, dư luận xôn xao về vụ việc một người giúp việc ở quận Nam Từ Liêm đã mua thuốc ngủ Lexomil 6mg pha vào nước cam cho chủ nhà và bạn uống, rồi thực hiện hành vi cướp tài sản. Đối tượng đã bị Công an quận Nam Từ Liêm tạm giữ hình sự để điều tra. Ở nhiều địa phương khác, tình trạng bỏ thuốc mê vào nước uống của người khác để thực hiện hành vi cưỡng bức, cướp tài sản cũng không ít.

Theo luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tại Khoản 5, Điều 59 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán thuốc như sau: Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua, bán thuốc, dược liệu mà không có hoặc không đúng với địa điểm ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; hoặc trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Nếu việc bán thuốc này làm cho người uống tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu bán thuốc mê chui, bất hợp pháp gây ra những vụ cướp của, giết người, hiếp dâm… thì những người bán thuốc có thể bị truy tố về hành vi đồng phạm đối với tội danh tương ứng.

Mặc dù đã có những quy định xử lý đối với hành vi mua bán thuốc cấm, tuy nhiên, tình trạng này đang diễn ra tràn lan là do các cơ quan chức năng còn chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm. Do đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng để dọn sạch “sạn” trong y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng mua bán thuốc mê, thuốc ngủ công khai: Cần cơ chế kiểm soát nghiêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.