Thương mại điện tử được ưa chuộng khiến hình thức giao hàng tận nơi ngày càng trở nên phổ biến. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã giả mạo người giao hàng (shipper) gọi cho khách yêu cầu chuyển tiền nhưng lại chuyển hàng không có giá trị.
Nguy hiểm hơn, có những shipper giả yêu cầu khách chuyển khoản tiền vận chuyển nhưng phía sau đó lại là một âm mưu lừa đảo lớn hơn khi gửi đường link để lấy tiền từ tài khoản của khách hàng. Điều này đòi hỏi khách hàng càng phải cẩn trọng trước những đề nghị chuyển khoản từ người giao hàng không quen biết...
Từ những đơn hàng lẻ...
Phản ánh câu chuyện bị mất tiền một cách đơn giản, chị Kiều Nga, sống tại chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho biết, cuối tháng 9-2024, chị nhận điện thoại từ số 09357466xx của một người tự xưng là shipper giao đơn hàng của cửa hàng quần áo, số tiền 350.000 đồng. Do có thói quen mua hàng trên mạng nên chị Nga không chần chừ bảo người này gửi hàng cho hàng xóm, rồi chuyển khoản trả... Tối đến, khi nhận gói hàng, chị Nga mới giật mình khi bên trong chỉ là những mẩu vải vụn. Chị lập tức gọi vào số điện thoại shipper thì đã bị chặn.
"Lúc tôi biết bị lừa thì đã muộn. Đây cũng là bài học đáng nhớ đối với tôi", chị Nga nói.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Lý Hải Anh, làm việc ở một công ty trên địa bàn phường Trung Liệt (quận Đống Đa) cho biết, chị đã bị lừa 2 đơn hàng liên tiếp. Khi đối tượng xưng là shipper, nói đúng địa chỉ, đơn hàng nên chị đã nhờ người xuống nhận hàng. Trong thời gian chờ người nhà xuống lấy hàng, chị đã chuyển khoản trước 350.000 đồng theo yêu cầu của shipper. Thấy khách hàng dễ tính, người này lại báo vừa nhìn thấy một đơn khác của chị bị sót nên đề nghị chuyển khoản tiếp 300.000 đồng. Tình cờ, chị Hải Anh cũng đặt đơn với số tiền tương tự nên không nghĩ ngợi gì chuyển khoản ngay. Yên tâm đã nhận hàng xong thì chị nhận được điện thoại của người nhà báo không thấy shipper nào đưa hàng, gọi lại số điện thoại thì thuê bao đã tắt máy.
Kịch bản chung của các shipper giả là thường đến vào giờ hành chính, khách không có nhà nên nói gửi hàng lại, sau đó chuyển tiền thì sập “bẫy”.
... đến gói cước hội viên và đường link lạ
Một hình thức lừa đảo khác nguy hiểm hơn là shipper yêu cầu khách chuyển khoản tiền vận chuyển nhưng sau đó lại là một âm mưu lừa đảo. Điển hình là vụ việc của chị Nguyễn Hải My, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Chị nhận hai cuộc điện thoại cùng gọi đến để chuyển đồ. Do bận họp nên chị nhắn shipper gửi hàng vào tủ đồ chung cư và đã chuyển khoản vào tài khoản số 10000221843 tên là Vi Văn Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Tuy nhiên, đối tượng lại gọi cho chị nói gửi nhầm số tài khoản nội bộ dành cho shipper nên hệ thống tự động ghi nhận chị My là shipper. Nếu chị My không hủy thì tài khoản bị trừ tự động mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Đối tượng hướng dẫn chị liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm (GHTK) để xử lý. Ngay sau đó, người điện thoại giới thiệu là nhân viên của GHTK, yêu cầu chị mở đường link trang Facebook có tên Bộ phận chăm sóc khách hàng. Chị My truy cập đường link và phát hiện tài khoản Facebook không đáng tin cậy. Đang lưỡng lự thì tài khoản này chủ động nhắn tin, xưng là Lê Văn Tuấn, nhân viên chăm sóc khách hàng của GHTK, ID là: 7584938401.
“Vì nghi ngờ, tôi gọi đến số tổng đài GHTK thì nhân viên công ty khẳng định GHTK không có trang Facebook, cũng không có nhân viên nào tên Tuấn. Tôi đã ngừng mọi giao dịch vì biết mình bị lừa”, chị My chia sẻ.
Chị Thanh Huyền, ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) cũng cảnh báo vừa bị lừa đảo với hình thức tương tự chị My. Shipper giả làm nhân viên của Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T Express), rồi gọi điện để lừa đảo khách hàng...
Có nhiều khách hàng phản ánh với Báo Hànộimới về việc gần đây liên tục nhận được những cuộc điện thoại nhận là shipper giao hàng nhưng có hành vi gửi đường link lạ. Để kiểm chứng thực hư, phóng viên đã điện thoại đến Công ty GHTK tại số 19006092. Một nhân viên ở đây khẳng định, công ty không có giao dịch riêng bằng Facebook cá nhân, cũng không có bất cứ chương trình hội viên nào, không gửi bất kỳ tin nhắn kèm đường link lạ yêu cầu nhập thông tin bảo mật như mật khẩu, OTP…
Tại website của Công ty GHTK và Công ty J&T Express, hai đơn vị bị mạo danh nhiều nhất đã liên tục cảnh báo và khuyến cáo khách hàng khi phát hiện hành vi gian dối thì kiểm tra ngay qua số điện thoại của GHTK là 19006092, J&T Express là 19001088.
Cho dù là hình thức lừa đảo mới nhưng rất nhiều người do chủ quan đã trở thành nạn nhân của những shipper giả. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị chiếm đoạt tiền bởi những kẻ bất lương.
Ngày 5-10, Công an thành phố Hà Nội thông tin về việc bắt giữ đối tượng Phan Văn Tùng (sinh năm 1998, ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) giả danh shipper giao hàng để lừa đảo hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt 130 triệu đồng từ tháng 4-2024 đến hết tháng 9-2024. Hiện Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự đối tượng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.