(HNM) - Dù đã được quan tâm, hỗ trợ nhưng điều kiện sinh hoạt và làm việc của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu chỗ ở, thiếu nhà trẻ, chưa được chăm sóc đầy đủ về sức khỏe và bảo hiểm xã hội…
Khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Chế độ chưa bảo đảm
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, thời gian qua, hoạt động của tổ chức công đoàn đã chú trọng đến đối tượng công nhân lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất với nhiều đổi mới. Nổi bật là hoạt động từ thiện, 4 năm gần đây đã có 2.468 lượt công nhân, viên chức lao động được trợ cấp với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; 15 công nhân lao động được hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”...
Tuy nhiên, những hoạt động trên chưa đồng đều và chưa đáp ứng nhu cầu của đông đảo công nhân lao động. Điển hình là việc tổ chức các thiết chế văn hóa còn hạn chế, hiện mới có 4 điểm sinh hoạt văn hóa cho người lao động (2 điểm do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức, 2 điểm do doanh nghiệp tự tổ chức) nhưng cơ sở vật chất chưa bảo đảm; các công nhân chưa được quan tâm chăm sóc sức khỏe đầy đủ...
Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Thu Phương nêu thực tế: “Năm 2016, công đoàn tổ chức khám sức khỏe cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa với chỉ tiêu 600 người nhưng có tới 900 công nhân đến khám. Điều đó cho thấy nhu cầu khám sức khỏe của công nhân lao động rất lớn nên cần được quan tâm hơn nữa”. Công nhân cũng chịu thiệt thòi khi không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đúng chế độ thai sản, không đóng bảo hiểm đầy đủ.
Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Tạ Văn Dưỡng, đã có nhiều đơn thư về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội và thực tế có công ty sử dụng hơn 1.000 công nhân, điều kiện làm việc vất vả nhưng số người được tham gia bảo hiểm còn thấp.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Các Khu công nghiệp và chế xuất Ngô Chí Hùng: Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hầu như chỉ vi phạm về việc để công nhân làm thêm quá nhiều giờ thì các doanh nghiệp trong nước vi phạm nhiều vấn đề: Chế độ bảo hộ lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tham gia đóng và chi trả bảo hiểm xã hội...
Xây dựng nhà ở, trường học để công nhân yên tâm làm việc
Khám, kiểm tra sức khỏe cho công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. |
Một thực tế nữa là công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn đang đứng trước hai mối lo là thiếu nhà ở và nhà trẻ gửi con. Chủ tịch Công đoàn Công ty Đồ chơi Chee wah (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) Ngô Thị Hồng Hà cho biết: “Ở công ty chủ yếu là công nhân nữ nên sau khi lấy chồng, sinh con, chị em đều gặp khó khăn trong tìm nơi gửi con vì khu vực thiếu nhà trẻ”.
Chị Phù Vân (phòng 205, khu nhà ở 6 tầng tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa) cho biết: “Hiện tôi vẫn ở nhà trông con vì chưa tìm được nơi gửi trẻ phù hợp; gửi tư thục có giá cao, lương công nhân không đủ trang trải”.
Điều kiện sống của công nhân lao động tại Khu công nghiệp Quang Minh I (huyện Mê Linh) còn khó khăn hơn vì không có nhà trẻ, không có khu vui chơi, không có nhà ở tập trung… Ông Trần Hữu Tuân (Công ty Euro Window) chia sẻ: “Khu công nghiệp Quang Minh I không có khu nhà ở tập trung nên toàn bộ công nhân ở xa phải thuê nhà trọ với giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng/phòng, giá điện, nước bị tính như giá kinh doanh”.
Hiện nay, trong tổng số 9 khu công nghiệp đang hoạt động mới có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế khoảng 22.240 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở, bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ. Trong khi đó, tổng số lao động trong các khu công nghiệp tăng dần qua các năm, đến giữa năm 2017 là hơn 145.000 người. Như vậy, chỗ ở cho công nhân vẫn thiếu trầm trọng.
Có những dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ lâu nhưng nay vẫn chưa đi vào thực tế. Điển hình như dự án xây nhà ở cho công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh I, từ năm 2011 đã được đồng ý về chủ trương quy hoạch và xây dựng nhưng đến nay vẫn… trên giấy.
Nguyên nhân là do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức nhiều lần đề xuất điều chỉnh chức năng lô đất (từ xây dựng nhà ở cho công nhân thuê thành nhà ở xã hội; xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội kết hợp dịch vụ phục vụ Khu công nghiệp Quang Minh I). Mới nhất, đề xuất của công ty là: Khu nhà ở cao tầng bán 70%, cho thuê 30%; khu nhà ở thấp tầng bán 100%.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội băn khoăn: “Khi công nhân vào làm việc thì doanh nghiệp muốn chọn người trẻ, vậy xây nhà xong bán hết thì công nhân lớp sau làm gì còn nhà để ở”. Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Tạ Văn Dưỡng cho rằng, nếu không có sự tính toán hợp lý để đi đến thống nhất thì 20 năm nữa dự án cũng không triển khai được.
Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, thời gian qua, thành phố đã có những dự án, công trình hỗ trợ công nhân về nhà ở, tuy nhiên, những vấn đề về thiết kế, tính toán quy hoạch chưa đáp ứng nên có nơi nhà vẫn để trống mà công nhân chưa có chỗ ở.
Do đó, khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, việc thiết kế phải quan tâm đến nhu cầu của công nhân, tính đến điều kiện phù hợp như giá cả, diện tích, bảo đảm hài hòa lợi ích công nhân, nhà đầu tư và cả xã hội. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường học là giải pháp lâu dài cần tính đến để công nhân yên tâm làm việc.
Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và làm việc đối với công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi chính sách pháp luật nhằm phù hợp với thực tiễn đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.