(HNM) - Trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988 sẽ chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông. Tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau.
Dâng hương tại Bia tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma ở Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN) |
Đó là khẳng định của Tổng Chủ biên Chương trình môn lịch sử, Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Phạm Hồng Tung (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Giáo sư Phạm Hồng Tung cho biết thêm, sự kiện Gạc Ma được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông theo cách thức như sau: Ở bậc tiểu học, các em học khái niệm lịch sử trong môn lịch sử và địa lý, do các em dưới 10 tuổi nên chưa đề cập đến sự kiện Gạc Ma vì chưa phù hợp khả năng nhận thức, tâm lý lứa tuổi. Ở bậc THCS: Trận hải chiến Gạc Ma được đưa vào như một phần của lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực Đông Nam Á, lịch sử thế giới trong thời kỳ hiện đại (vào cuối lớp 8 và đầu lớp 9). Trong bậc THCS có một chủ đề tích hợp giữa lịch sử và địa lý là chủ đề biển, đảo Việt Nam.
Trận hải chiến Gạc Ma sẽ được đặt trong chủ đề tích hợp đó. Các thế hệ mai sau sẽ được học về Biển Đông, về đảo của Việt Nam với tất cả các khía cạnh địa lý, kinh tế, môi trường, địa chính trị... cho đến lịch sử chủ quyền và tất cả các cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên cơ sở những chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử đầy đủ của Việt Nam và công ước quốc tế. Việc này giúp các thế hệ mai sau thấy việc chúng ta đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là có cơ sở pháp lý đầy đủ.
Trận Hoàng Sa 1974, trận Gạc Ma 1988, chính nghĩa thuộc về quân và dân Việt Nam. Ở bậc THPT có 2 chủ đề: Lịch sử các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, trong đó trận Gạc Ma được đưa vào là một cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc suốt từ cổ đại đến bây giờ. Chủ đề thứ hai là Biển Đông và hải đảo cũng có nội dung về trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Như vậy là tại Chương trình giáo dục phổ thông mới, sự kiện Gạc Ma được chính thức đề cập, khắc sâu trong tâm trí các thế hệ mai sau 4 lần.
“Việc đưa trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988 vào sách giáo khoa môn lịch sử chính là hình thức mà chúng tôi với tư cách là những nhà sử học (và tôi tin là nhân dân cả nước cũng đồng tình, đồng thuận với chúng tôi) - coi đây là hoạt động tri ân với 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ấy để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” - Giáo sư Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.