Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình nguyện viên hướng dẫn du lịch: Những nhịp cầu văn hóa

Chí Kiên| 22/10/2016 07:24

(HNM) - Từ lâu, hình ảnh thân thiện của những tình nguyện viên thuộc Câu lạc bộ (CLB) Tuyên truyền văn hóa, lịch sử (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) tại các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… đã trở nên quen thuộc với du khách.

Thành viên CLB Tuyên truyền văn hóa, lịch sử với du khách tại Hoàng thành Thăng Long.


CLB đã trở thành môi trường học tập, rèn luyện hữu ích cho các bạn sinh viên, đồng thời là cầu nối về quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hiểu mình để hiểu người!

Ngày nghỉ cuối tuần của Hoàng Văn Trung thường bắt đầu từ sớm để chuẩn bị đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia làm hướng dẫn viên tình nguyện tuyên truyền về lịch sử văn hóa dân tộc. Nhóm khách đầu tiên Trung gặp là đôi bạn trẻ người Italia - Olivia và Christina. Phong thái tự tin, chững chạc, Trung mở đầu bằng câu nói tiếng Anh có chất giọng gần gũi, lôi cuốn để tự giới thiệu về mình: “Tôi là tình nguyện viên của CLB Tuyên truyền văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tôi là sinh viên nên muốn giao lưu, học hỏi cùng các bạn.

Tôi sẽ cung cấp thông tin và làm hướng dẫn viên miễn phí cho các bạn”. Đôi bạn trẻ người Italia tỏ ra thích thú và cùng Trung rảo bước vào khu A, nơi Trung giới thiệu cho họ những kiến thức lịch sử thời cổ Trung đại ở Việt Nam. Qua các gian phòng, Trung giới thiệu tỉ mỉ về các triều đại, về những nhân vật lịch sử, về hiện vật và tài liệu liên quan... Hai vị khách chăm chú lắng nghe, thi thoảng trao đổi với Trung. Với những kiến thức được học ở nhà trường, tự bản thân tìm hiểu và được Bảo tàng Lịch sử quốc gia trang bị, Trung tự tin trao đổi với hai vị khách của mình bằng vốn tiếng Anh vững vàng. Thấy khách quá say sưa tìm hiểu lịch sử của đất nước mình, Trung dành trọn buổi sáng giới thiệu khu A với Olivia và Christina.

Khi hết giờ, Olivia nói muốn Trung hướng dẫn tiếp vào buổi sáng hôm sau để tiếp tục tìm hiểu khu B - nơi lưu giữ, giới thiệu các thông tin, hiện vật lịch sử thời kỳ Cận hiện đại của Việt Nam. Chia sẻ về người bạn hướng dẫn viên vừa mới quen, Christina vui vẻ nói: “Tiếng Anh của Trung dễ nghe, dễ hiểu. Qua đây, chúng tôi đã được biết nhiều hơn về lịch sử Việt Nam, về văn hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ quay trở lại đây vào sáng mai”.

Nói về công việc, Trung ngắn gọn: “Phải hiểu mình trước để hiểu được người”. Trung cho rằng, bản thân mỗi người Việt Nam phải hiểu về lịch sử, hiểu về đất nước, con người, những nét đặc trưng văn hóa trên đất nước mình thì chúng ta mới có điều kiện, có cơ sở tìm hiểu các nước khác trên thế giới. Vì thế, từ khi là sinh viên Khoa Quốc tế học (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội), Trung đã rất đam mê và yêu thích việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa. “Có hôm lên bảo tàng mất cả tiếng đồng hồ vì tắc đường, nhưng khi đến nơi nghĩ sẽ được làm việc yêu thích, trong người lại dâng lên cảm xúc thích thú, thu hút. Những lúc giải lao, em thường đứng trước các hiện vật lịch sử, quan sát kỹ để hiểu rõ hơn lịch sử nước mình” - Trung tâm sự.

Thổi luồng gió mới

Hoàng thành Thăng Long là nơi bạn Đào Quang Phú, sinh viên K59, Khoa Quốc tế học (Trường Đại học KHXH&NV) đã tham gia tình nguyện hướng dẫn viên được hai năm. Chàng trai đến từ Ninh Giang (Hải Dương), bộc bạch: “Trước đây em thi vào trường theo khối D, lịch sử không phải là môn học em ưa thích. Nhưng từ khi tham gia CLB, em thấy yêu và muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử. Đây thật sự là sân chơi hấp dẫn và bổ ích cho sinh viên chúng em”.

Đội tuyên truyền văn hóa lịch sử của Đào Quang Phú ở Hoàng thành Thăng Long là đông nhất, vào ca làm việc thường có từ 15 đến 16 người. Khi đông khách, các bạn chia tổ và dẫn theo sự hướng dẫn của cán bộ trong Khu di tích Hoàng thành. Theo Phú, hướng dẫn tại đây thực sự là một thử thách không nhỏ đối với các bạn sinh viên. “Nhìn qua du khách sẽ nghĩ “không có gì”, nhưng đào sâu tìm hiểu sẽ thấy có rất nhiều kiến thức, thông tin về khảo cổ học từ thời xa xưa, về các thời điểm quan trọng trong lịch sử cách mạng hiện đại Việt Nam”. Vì thế kể từ khi tham gia làm hướng dẫn viên tình nguyện, Phú đã đọc nhiều sách, báo nói về di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long. “Để có được một văn bản giới thiệu hoàn chỉnh, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ, chúng em đã tự tìm hiểu, viết thành bài và trình lên lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội để các anh chị bổ sung, sửa chữa cho phù hợp” - Đào Quang Phú cho biết.

Nhận thức được tầm quan trọng của các kiến thức lịch sử, văn hóa khi truyền đạt tới du khách nên mọi thông tin khi các thành viên trong CLB sử dụng đều được các thầy cô giáo trong trường và cán bộ các khu di tích thẩm định kỹ càng, thận trọng. Đặc biệt, những người mới trong CLB sẽ được Ban Chủ nhiệm cắt cử để trực tiếp tham gia các đoàn của hướng dẫn viên tại các điểm di tích, đồng thời học kinh nghiệm từ các anh chị đi trước.

CLB Tuyên truyền văn hóa, lịch sử thuộc Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội được thành lập từ năm 2014 với 40 thành viên ban đầu và hiện nay đã tăng lên 80 người, gồm sinh viên của các khoa: Lịch sử, Quốc tế học, Đông phương học, Việt Nam học, Báo chí… Chủ nhiệm CLB hiện nay là Phạm Phương Thảo, sinh viên Khoa Lịch sử và tham gia hướng dẫn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Phạm Phương Thảo làm tình nguyện viên từ khi học THPT, đến khi vào đại học trở thành một trong những thành viên sáng lập CLB.

Phạm Phương Thảo cho biết, ý tưởng thành lập CLB được manh nha từ năm 2009, khi đó thầy giáo Phạm Lê Huy (Khoa Đông phương học) đã tổ chức các nhóm sinh viên đến thực tập và giới thiệu với khách du lịch tại Hoàng thành Thăng Long. Đến năm 2010, nhà trường tiếp tục tổ chức các đội sinh viên tham gia tình nguyện hướng dẫn khách du lịch dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mục đích ban đầu của CLB là tạo dựng môi trường học tập cho sinh viên, sau do hoạt động tốt, CLB đã hướng đến mục tiêu “học tập tốt, kết hợp tinh thần xung kích, kiến thức chuyên môn để đưa lịch sử, văn hóa đến với đời sống một cách gần gũi nhất”.

CLB được tổ chức thành 3 đội, gồm đội ở Hoàng thành Thăng Long mỗi ca 15-16 người; Văn Miếu - Quốc Tử Giám (5-6 người) và Bảo tàng Lịch sử quốc gia (5-6 người). “Dịp hè CLB hoạt động liên tục các ngày trong tuần, vào năm học chỉ hoạt động cuối tuần và ngày lễ. CLB ban hành nội quy quy định rõ về văn hóa ứng xử; các hành vi bị cấm; trang phục, giao tiếp và trách nhiệm của các thành viên tham gia” - Chủ nhiệm Phạm Phương Thảo cho hay.

Đánh giá về những hoạt động của các thành viên CLB Tuyên truyền văn hóa lịch sử của Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đội tình nguyện đã góp phần bổ sung lực lượng thuyết minh cho di tích, giúp giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị, đưa di tích đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) khen các bạn tình nguyện viên rất tận tình, chu đáo và làm việc nghiêm túc; đã thổi một luồng gió mới vào di tích, giúp cho du khách cảm nhận được những hình ảnh vô cùng thân thiện, mến khách của người Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình nguyện viên hướng dẫn du lịch: Những nhịp cầu văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.