(HNM) - Nâng cao chất lượng đào tạo đang là đòi hỏi bức thiết đối với các trường ĐH, trong khi mức trần học phí mà các trường được thu không thay đổi trong hơn 10 năm và suất đầu tư cho mỗi sinh viên cứ giảm dần. Nghịch lý này đang được các chuyên gia mổ xẻ ở nhiều khía cạnh, trong đó có vấn đề chính sách đối với giáo dục đại học còn mang tính cào bằng.
Học phí thấp nên chất lượng đào tạo thấp?
Nhìn lại thực trạng cơ chế tài chính trong giáo dục ĐH, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: Học phí là nguồn thu quan trọng để duy trì hoạt động và sự phát triển của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, mức học phí thấp đã khiến nhiều trường xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn thu. Do bị khống chế về trần học phí nên để có thêm nguồn thu, nhiều trường buộc phải tăng số lượng và quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo. Nhưng nhiều khi việc mở rộng này không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Trường Đại học Ngoại thương là trường được thí điểm về tự chủ tài chính. Ảnh: Linh Tâm |
Về phía người học, dù ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục ĐH tăng hằng năm, nguồn thu các trường cũng tăng nhưng suất bảo đảm chi phí đào tạo tính bình quân trên một sinh viên lại theo chiều ngược lại. Trong khi đó, cũng theo ông Nguyễn Trường Giang, việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo, được áp dụng đồng đều cho tất cả các học sinh nhập học, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người học mang tính chất bình quân, cào bằng. Mức học phí này không có sự phân biệt giữa học sinh nghèo, có thu nhập thấp với học sinh gia đình có thu nhập cao. Điều đó dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp của chúng ta đang trợ cấp ngược cho người giàu. Điều đáng chú ý là chính sách trợ cấp trên cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trong việc phân luồng học sinh theo các ngành, dẫn tới sự mất cân đối về cơ cấu nguồn lực.
Học phí sẽ dựa trên chất lượng dịch vụ
Nói tới việc mất dần sức hút thì phải kể tới ngành sư phạm. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh đánh giá cao một số cơ chế tài chính ưu tiên đối với ngành sư phạm. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị nhiều chính sách có tính đặc thù cho ngành học này, như việc tiếp tục không thu học phí bởi hiện nay, hầu hết sinh viên của ngành là con em các gia đình ở nông thôn, khó khăn; sinh viên từ khu vực đô thị, thành phố lớn ít khi vào ngành này. Ông Nguyễn Viết Thịnh cũng cho biết, kinh phí đào tạo được cấp cho các trường sư phạm hiện nay dựa theo một mức chuẩn, không phân biệt về chất lượng dịch vụ giáo dục giữa các trường. Vì vậy, cần có cơ chế cho phép các trường ĐH sư phạm thu thêm một phần phí để bù đắp cho các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường dịch vụ sinh viên. Liên quan tới vấn đề học phí, các trường sư phạm cần có cơ chế thu - chi đối với phí học lại, học vượt... Và trên nền chung về kinh phí đào tạo sư phạm, nhà trường cũng đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT tính toán mức kinh phí đào tạo cao hơn cho các khoa có thực nghiệm và các khoa đào tạo năng khiếu...
Còn ĐH Ngoại thương, với cơ chế tự chủ tài chính thí điểm, tưởng như không thuộc diện bị "cào bằng", cũng có những bức xúc của mình. Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu cho rằng, thực chất cái gọi là "tự chủ" mà trường được hưởng là việc bị Nhà nước cắt giảm kinh phí chi thường xuyên. Còn nhà trường thì không được hưởng quyền lợi, quy chế gì hơn so với các trường học công lập khác, nên không thể phát triển thêm nguồn thu để tăng lương.
Để được tự chủ đầy đủ hơn, ông Hoàng Văn Châu đề nghị Nhà nước cho phép trường được quyền tự xác định mức học phí như các trường ĐH thuộc doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, để tránh gây sốc trong xã hội, ĐH Ngoại thương không thể ngay lập tức đưa ra mức học phí căn cứ trên nguyên tắc lấy thu bù chi mà phải xây dựng lộ trình tăng. Do đó, nhà trường đề nghị Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa chi thường xuyên tối thiểu cho sinh viên và phần học phí mà trường xác định cho các năm học.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhìn nhận: Thời gian trước mắt cần tính toán tỷ suất đầu tư cho một sinh viên ở mỗi ngành nghề khác nhau, đây sẽ là cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay chưa có tính toán cụ thể nên việc đầu tư còn dàn trải, cào bằng. Bên cạnh đó, các trường ĐH công lập cần hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế thu - chi phải đi kèm với nhau. Nhà nước cũng cần có những chính sách thu hút sinh viên vào những ngành xã hội có nhu cầu lớn mà sinh viên không thấy hấp dẫn, có chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa để tạo công bằng cho xã hội...
Còn giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra là từng bước tính đủ chi phí đào tạo đại học trong học phí và thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học. Ngân sách thay vì được phân bổ theo các tiêu chí đầu vào như hiện nay, sẽ theo tiêu chí đầu ra, gắn với các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, định mức phân bổ chi phí đào tạo. Đặc biệt, việc phân bổ nên có sự phân biệt giữa cơ sở hoạt động có chất lượng, hiệu quả với cơ sở yếu kém, gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định về chất lượng đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.