(HNM) - Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) là nhà hoạt động chính trị, văn hóa tên tuổi, nhà báo phong cách hiện đại, có nhiều đóng góp cho báo chí Việt Nam.
Ở Nguyễn Khắc Viện hợp lưu hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học lâu đời. Thân sinh ông, cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, một trí thức lỗi lạc, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ khi tuổi mới 19, trở thành vị quan yêu nước có suy nghĩ cách tân. Lớn lên, Nguyễn Khắc Viện được đào tạo tại Hà Nội và Paris. Cái may của ông là từ tuổi hai mươi được sống và làm việc tại Pháp, một cái nôi của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, và khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, được trở về Việt Nam, nơi hội tụ tấm lòng của những người phản đối chiến tranh đế quốc. Thông tuệ, giàu nghị lực, thấm nhuần văn hóa Đông - Tây, ông tiếp thu tinh hoa thế giới, kết hợp ý chí dân tộc. Ông đến với chủ nghĩa Mác, từ đấy cho "đến khi có sự đổ vỡ ở Châu Âu, vẫn suy nghĩ theo cách của Mác". Nguyễn Khắc Viện trở thành một "sĩ phu hiện đại". Chịu ơn gia đình, dòng họ, đất nước đã đành, ông còn chịu ơn nhân dân Pháp, như lời ông vào buổi xế chiều, "đối với nhân dân Pháp, cả đời tôi mắc một món nợ tôi không thể nào lẩn tránh". Sống tại quê hương dưới chế độ thuộc địa, "lòng tôi già cỗi từ thuở hai mươi, may mắn lúc ở nước ngoài lại tìm được đường trở về với dân tộc".
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là người có tư duy vận động, đổi mới thường xuyên. Do đó, có người băn khoăn rằng suy nghĩ của ông có khi trước sau không nhất quán lắm. "Con người ta chứ đâu phải thánh" - ông nói. Trong cuộc sống chuyển động với vận tốc thời nay, làm sao đòi hỏi nhận thức của người tuổi bảy, tám mươi y nguyên như thuở đôi mươi. Tư duy là sự biểu đạt nhận thức và trải nghiệm của mỗi người. Nguyễn Khắc Viện nhìn các vấn đề xã hội, sớm nhận ra những điều mà nhiều người khác chưa nhìn thấy, và ông thẳng thắn bày tỏ ý kiến, bất chấp có thể cấn cái với số đông, bao gồm nhà lãnh đạo. Tấm lòng ấy, phong cách ấy là một trong những nguyên nhân gây cho ông rắc rối, hiểu nhầm. Theo nhận thức của tôi, cái "lỗi" của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - nếu dám gọi điều ấy là lỗi - là ông có ý kiến hơi quá sớm về những vấn đề được coi nhạy cảm, trong bối cảnh xã hội còn triền miên tư duy cũ. Thập kỷ 8 của thế kỷ XX, khi đời sống nhân dân ta khó khăn, có phần do chính sách lỗi thời, ông có bài đăng Báo Nhân dân, phát biểu: Trong tình hình hiện nay, báo chí chỉ đưa đường lối, chính sách từ trên xuống mà thiếu chiều ngược lại, phản ánh ý kiến nhân dân cho lãnh đạo nghe, là thiếu sót lớn. Ý kiến của ông "chối tai" với không ít người. Ngày nay, báo chí ta quan tâm thông tin nhiều chiều, rõ sự tương tác, nói đi và có nói lại, lãnh đạo lắng nghe ý kiến nhân dân, còn mấy ai cảm thấy sự đổi mới là "khó chấp nhận"? Tại một bài báo khác cũng vào thời ấy, Nguyễn Khắc Viện viết: Vấn đề cán bộ xấu tham ô, ức hiếp nhân dân, câu kết với con buôn không chỉ trái đạo đức mà còn là vấn đề chính trị. Những suy nghĩ "hơi khác người" về thời cuộc, ông đều gửi thẳng lên các cấp lãnh đạo cao nhất nước. Ngày nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng nói mạnh hơn nhiều. Nghị quyết chỉ ra hiện tượng cán bộ câu kết với các nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho đất nước và khẳng định nạn tham nhũng nếu không kiên quyết ngăn chặn, loại trừ, sẽ là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ.
Có thời, chủ yếu do thiếu thông tin, không ít trí thức, nhân sĩ nước ngoài hiểu chưa đúng về tình hình, đường lối chính sách của Nhà nước ta, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được phái sang một số nước phương Tây tiếp xúc, giao lưu, chuyện trò, đối thoại với các nhà trí thức, nhà khoa học hàng đầu, trình bày chủ trương, chính sách của ta, giải đáp băn khoăn, thuyết phục bạn bè giữ mãi tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam. Đâu là cái chìa khóa thành công của ông trong những chuyến "một mình một ngựa" mang chuông đi đánh xứ người? Kiến thức, kinh nghiệm, tài năng, cá tính đã đành, quan trọng là tính cách và tấm lòng trước sau như một với nước, với dân.
Một nét quán xuyến đời ông là nghị lực phi thường. Nghị lực vượt qua khó khăn, trở ngại để học hành, lập thân, công tác, đấu tranh… nhằm đạt những mục tiêu vì niềm tin, lý tưởng, lợi ích chung. Những ai biết ít nhiều về đời sống riêng của ông mới hiểu hết tầm vóc nghị lực nơi con người ấy. Mắc bệnh lao phổi lúc tuổi đời chưa đến 30 - chứng bệnh hồi ấy còn nan y - ông đã phải điều trị nhiều năm. Bảy lần lên bàn mổ. Các giáo sư Pháp khuyên ông "yên tâm nghỉ ngơi" (yên tâm chờ chết!). Ông vẫn tìm cách tự chữa chạy để về nước sống và làm việc cho đến tuổi 85, "ít nhất cũng bằng một người sức khỏe bình thường". Ông nhận công tác, làm văn hóa đối ngoại, phụ trách Nhà xuất bản Ngoại văn, Báo Tin Việt Nam và Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam. Ông đã đến hầu như khắp nơi trong nước, đi công tác nước ngoài chừng vài chục chuyến. Sau 20 năm việc công, ông xin nghỉ, không nhằm an dưỡng tuổi già mà để có thời gian tập trung hơn cho việc nghiên cứu, viết báo, làm sách, quảng bá phương pháp dưỡng sinh, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em…
Đời Nguyễn Khắc Viện nhiều thành công cũng lắm gian truân. Cuối đời, ông được hai nước Việt Nam và Pháp trao phần thưởng cao quý. Đó là sự đánh giá cao của nhân dân ta đối với một đời phấn đấu không mệt mỏi. Đó là sự ghi nhận của nhân dân Pháp về những cống hiến của ông đối với văn hóa Pháp, với việc tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia. Ông bộc bạch: "Tôi học y, đâu có học khoa học chính trị hay văn chương. Nhưng chẳng sao, người chiến sĩ phải làm được tất cả, mỗi khi hoàn cảnh đòi hỏi".
Tháng 2-2013
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.