(HNMO) - Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 2-11 cho thấy, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhưng hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ kèm theo việc một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/giờ sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập. Với lượng mưa đến 100mm/giờ, thành phố sẽ xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ tại các ngõ ngách, khu dân cư. Nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm khắc phục tình trạng úng ngập tại Thủ đô.
Nhiều hạn chế bộc lộ khi xảy ra mưa lớn
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong các tháng 5, 6, 7 vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, trong đó, trận mưa ngày 29-5 có lượng mưa phổ biến trên 100mm, đặc biệt trên địa bàn quận Cầu Giấy có lượng mưa 180mm nên nhiều khu vực trên địa bàn thành phố bị ngập sâu. “Mặc dù các đơn vị chức năng đã kịp thời ứng trực, xử lý tiêu thoát nước, tuy nhiên, đối với trận mưa có cường độ lớn thì công tác chống úng ngập vẫn bộc lộ nhiều hạn chế”, đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết.
Về thực trạng hệ thống thoát nước đô thị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, khu vực nội thành Hà Nội có 12 quận với diện tích khoảng 313,19km2. Trong đó, hệ thống thoát nước thành phố bao gồm: 3.061,94km cống rãnh; 236,48km mương, sông, kênh… Khu vực ngoại thành bao gồm các thị trấn thuộc huyện, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ; hệ thống thoát nước quản lý với khối lượng là 616,81km cống rãnh; 48,47km kênh mương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng cho biết, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, lượng mưa có thực tế vượt xa lượng mưa tính toán theo quy hoạch. Trong khi đó, tình hình phát triển đô thị những năm gần đây phát triển nhanh, nhưng hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/giờ sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa đến 100mm/giờ, xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ tại các ngõ ngách, khu dân cư và cục bộ một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
Về giải pháp thoát nước mùa mưa 2022 và những năm tiếp theo, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm soát thường xuyên, giữ mực nước đệm trên hệ thống các hồ điều hòa thoát nước; thành phố sẽ bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối, bảo đảm vận hành 100% công suất.
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội; xử lý tình trạng ngập úng khu vực đô thị phía Tây và Tây Nam thành phố thông qua việc rà soát lòng dẫn kênh La Khê, tổ chức nạo vét khơi thông vị trí còn hẹp và nâng cao khả năng tiêu thoát của kênh La Khê…
Sớm có giải pháp làm “sống lại” hệ thống sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên trên địa bàn thành phố có nguyên nhân khách quan là do Hà Nội có quá trình đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường…
Song Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là sự vào cuộc thiếu quyết liệt, chưa sâu sát của một số cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của thành phố, dẫn đến hệ thống thoát nước của thành phố vẫn chưa được hoàn chỉnh; việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ; quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2009-2013, nhưng việc đầu tư các công trình tiêu, thoát nước đô thị và nông thôn của thành phố theo quy hoạch còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, việc sông Nhuệ và một số con sông khác trên địa bàn thành phố chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông; việc lấp hồ ao để xây dựng các dự án cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua.
Chỉ rõ những hạn chế của hệ thống xử lý nước thải, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động theo báo cáo chỉ chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý; còn thấp so với mục tiêu nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố đến năm 2020 phải đạt 60% lượng nước thải được thu gom và xử lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là do nhiều dự án chưa được đầu tư theo quy hoạch hoặc đã được đầu tư nhưng tiến độ rất chậm…. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch thủy lợi đối với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là khu vực các huyện được định hướng sẽ phát triển thành quận và thành phố trực thuộc Thủ đô. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch thoát nước đô thị và nông thôn của thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp, đồng bộ và hiệu quả.
Cùng với việc khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch và các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố; nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước trên địa bàn, để tăng khả năng chứa nước, phục vụ việc thoát nước đô thị, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành liên quan của thành phố khẩn trương tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tuyến kênh La Khê theo quy định hiện hành, sớm triển khai phần còn lại của dự án, bảo đảm Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được vận hành 100% công suất, phát huy hiệu quả trong tiêu thoát úng ngập cho lưu vực của dự án.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, đối với khu vực nông thôn, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước; làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt; đặc biệt là tại khu vực các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức...
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, phải quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu/cụm công nghiệp...; đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn.
Việc triển khai có hiệu quả các giải pháp theo đúng chỉ đạo sẽ là những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng úng ngập, tổ chức tiêu thoát nước hiệu quả trong mùa mưa năm 2022 và những năm tiếp theo tại Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.