(HNMO) - Ngày 2-10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9.
Chiều cùng ngày, chủ trì họp báo thông tin về kết quả phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý III giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản thông suốt, thu ngân sách đạt hơn 80%, góp phần bảo đảm thu chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; đầu tư FDI vẫn được duy trì...
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Ngoài nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trên, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Các địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương thực hiện thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hóa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm sản xuất bình thường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không cứng nhắc.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp an toàn. Các địa phương bàn bạc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để mở cửa sản xuất an toàn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất; tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm, nhất là các bạn hàng lớn; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tính toán, dự báo cung cầu hàng hóa dịp cuối năm để không thiếu hàng, triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành giá.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình cụ thể để thực hiện tốt nhất chương trình công tác trong tháng 10 và các tháng cuối năm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết thống nhất, tranh thủ mọi cơ hội và điều kiện phát triển đất nước, hạn chế tối đa khó khăn”.
Đáng chú ý về kịch bản tăng trưởng quý IV, trao đổi tại họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã trình Chính phủ 2 phương án tăng trưởng GDP năm 2021 là 3% và 3,5%. Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng là 1,42%, để đạt mức tăng trưởng 3% cả năm, trong quý IV, GDP phải đạt mức tăng trưởng từ 7,06% trở lên; để đạt mức tăng trưởng 3,5%, GDP quý IV phải tăng từ 8-8,4%.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nước ta đã từng vượt khó khăn, đạt được mức tăng trưởng GDP quý cuối năm hơn 7%. Nên nếu cùng với quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của các doanh nghiệp, người dân, kịch bản tăng trưởng trên 7% trong quý IV hoàn toàn có thể thực hiện được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.