Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Thực hiện nội dung tại Văn bản số 1118/UBTVQH15-PL ngày 11-12-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 02 năm 2025, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với những nội dung cơ bản sau:
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), gồm: 6 chương, 28 điều. So với Luật hiện hành giảm 01 chương, giảm 22 điều và có 03 mục mới, cụ thể:
Chương I: Những quy định chung, có 08 điều;
Chương II: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, có 3 mục và 9 điều (gồm: Mục 1: Chính phủ, có 04 điều; Mục 2: Thủ tướng Chính phủ, có 02 điều; Mục 3: Các thành viên khác của Chính phủ, có 03 điều).
Chương III: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có 05 điều.
Chương IV: Chế độ làm việc của Chính phủ, có 06 điều.
Chương VI: Điều khoản thi hành, có 03 điều.
Theo Bộ Nội vụ, việc giảm số lượng chương, điều so với Luật hiện hành để thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư về yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng luật khung; theo đó, Luật chỉ quy định những nội dung cơ bản, quan trọng có tính nguyên tắc để bảo đảm tính ổn định lâu dài, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật bổ sung 01 điều mới quy định phạm vi điều chỉnh của Luật. Tại điều này đã quy định các nội dung được quy định trong dự thảo Luật. Việc bổ sung điều này là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tương đồng với đa số các luật hiện hành.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 6 dự thảo Luật), cơ bản kế thừa các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật hiện hành.
Dự thảo Luật đã bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và quản lý theo chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp quy định, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã được phân cấp. Trong đó, có một số nội dung mới như sau:
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ.
Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan của Chính phủ tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại Luật này, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả.
Phân cấp hợp lý giữa Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương gắn với điều kiện bảo đảm về nguồn lực, năng lực của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương theo nguyên tắc cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nội dung được phân cấp.
Trên cơ sở kết quả rà soát Luật Tổ chức Quốc hội tại Báo cáo số 382/BC-CP ngày 8-8-2024 của Chính phủ, Vụ đã phân tích, đánh giá để làm rõ những vấn đề Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Các nội dung khác, được biên tập khái quát phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 (Chính phủ thống nhất quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành).
Theo đó, dự thảo luật đã khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ của Chính phủ theo từng nhóm cụ thể:
(1) Nhiệm vụ Chính phủ trình Quốc hội;
(2) Nhiệm vụ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
(3) Nhiệm vụ Chính phủ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh quyết định của Chủ tịch nước;
(4) Nhiệm vụ quản lý tập trung thống nhất ở trung ương, không phân cấp cho chính quyền địa phương (gồm: Quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tiền tệ, thuế, hải quan);
(5) Nhiệm vụ Chính phủ thực hiện thống nhất trong việc phân công, phân cấp để phù hợp với khả năng, điều kiện, năng lực và đặc điểm của từng chủ thể.
Đồng thời, đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể khác thuộc quyền hành pháp của Chính phủ, nhưng chưa quy định rõ trong luật hiện hành hoặc đang được quy định tại các luật khác nay đề xuất chuyển giao cho Chính phủ theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Ví dụ: Quyền hạn của Chính phủ trong tình huống bất thường, nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp (như trong chống dịch Covid-19). Theo đó, những nội dung này cần quy định rõ trong Luật để Chính phủ có công cụ, phương tiện chỉ đạo, điều hành bảo đảm theo đúng pháp luật. Quy định rõ một số quyền của Chính phủ trong việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và với cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.
Tuy nhiên, qua rà soát 257 luật chuyên ngành, có 152/257 Luật đang quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.
Vì vậy, dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ:
(1) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội;
(2) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
(3) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước;
(4) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt của Chính phủ.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất để chuyển các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Thủ tướng Chính phủ sang cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, bảo đảm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp của Thủ tướng Chính phủ (các vấn đề quan trọng, liên ngành đang giao Thủ tướng Chính phủ sẽ được chuyển Chính phủ thống nhất quản lý).
Bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bổ sung quy định việc Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Tại mục 2 dụ thảo Luật đã quy định nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, do vậy mục 3 chỉ quy định các thành viên khác của Chính phủ, bao gồm: Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Việc tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Chính phủ, trong đó có các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại chương này mà không để chung với chương quy định về bộ, cơ quan ngang bộ như luật hiện hành nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ cùng tập thể Chính phủ tham gia giải quyết nhiệm vụ của Chính phủ, chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.
Phân định rõ với trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay trên thế giới các Chính phủ đều có cơ quan giúp việc, có thể có tên gọi khác như: Văn phòng nội các, Văn phòng Thủ tướng có chức năng, nhiệm vụ là bộ máy giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định của luật hiện hành, bộ máy giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ. Đứng đầu Văn phòng Chính phủ là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, là thành viên Chính phủ.
Vì vậy, việc chuyển quy định Văn phòng Chính phủ từ một điều riêng (Điều 41 Luật hiện hành) thành một khoản trong điều quy định chung về bộ, cơ quan ngang bộ là phù hợp.
Dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ chức năng của cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan có chức năng thực thi chính sách, phục vụ quản lý nhà nước. Việc quy định rõ cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giúp cho việc Chính phủ khi quyết định thành lập cơ quan này, bảo đảm hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành chưa tách bạch đượợc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách: (1) Thành viên Chính phủ; (2) Người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Theo đó, trên cơ sở kết quả rà soát chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang Bộ đang quy định tại 177/257 luật, dự thảo Luật đã biên tập theo hướng:
- Nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ vào Chương quy định về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ.
Theo đó, khi thực hiện các nhiệm vụ với tư cách thành viên Chính phủ (quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm thiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý; giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
- Nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ vào Chương quy định về Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đó, khi thực hiện các nhiệm vụ với tư cách người đứng đầu Bộ (quản lý theo phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Để hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng Chính phủ chủ động trong việc quyết định sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, dự thảo Luật bỏ quy định tại Điều 40 Luật hiện hành về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Bổ sung một số quy định về hình thức hoạt động của Chính phủ, trách nhiệm tham gia phiên họp của thành viên Chính phủ và phiên họp Chính phủ; thực hiện quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bổ sung một số điều quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đang quy định tại các luật chuyên ngành được điều chỉnh thống nhất với các quy định của Luật này, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ và phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, đa số các ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn có một số ý kiến khác nhau cần báo cáo xin ý kiến Quốc hội.
Cụ thể như sau: Qua rà soát chưa đầy đủ, hiện có 152/257 luật chuyên ngành đang quy định Thủ tướng Chính phủ phải quyết định nhiều vấn đề cụ thể; có 177/257 luật đang quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành.
Do đó, cần có cơ chế để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để tổ chức triển khai thi hành Luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.