Giá vàng lên mức kỷ lục: Vẫn rất cần thận trọng; Những dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bài 3: Cánh quân miền Đông Nam Bộ - cực Nam Trung Bộ thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn; Kịp thời khắc phục, điều chỉnh hệ thống báo hiệu giao thông; Thí điểm dịch vụ internet vệ tinh Starlink: Trải nghiệm chưa dành cho số đông… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 3-4-2025.
Giá vàng lên mức kỷ lục: Vẫn rất cần thận trọng
Thời gian gần đây, giá vàng biến động mạnh, liên tục tăng cao, xô đổ các mốc kỷ lục. Trong nhiều thời điểm, khi giá tăng cao, tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua vàng lại tái diễn.
Đáng chú ý, trong tháng 3-2025, giá vàng biến động dữ dội, liên tục xô đổ các mức kỷ lục 93, 94 và 95 triệu đồng/lượng, rồi vượt mốc 100 triệu đồng/lượng vào ngày 20-3 (100,1 triệu đồng/lượng). Sau khi đạt mức kỷ lục trên, giá vàng hạ nhiệt xuống mức 94,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 97,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trước tình trạng "nhảy múa" của giá vàng và người dân đổ xô đi mua vàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mỗi khi giá vàng trong nước tăng nóng, các công ty kinh doanh vàng thường nới rộng biên độ mua - bán, đẩy rủi ro về phía người mua.
Những dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Cánh quân miền Đông Nam Bộ - cực Nam Trung Bộ thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn
Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Cùng với các quân đoàn chủ lực của trên và nhân dân Sài Gòn - Gia Định, trên các hướng, lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ dựa trên nền tảng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương được củng cố vững chắc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp làm tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực đánh những đòn tiêu diệt lớn và giành thắng lợi hoàn toàn.
Kịp thời khắc phục, điều chỉnh hệ thống báo hiệu giao thông
Không ít biển báo giao thông trên địa bàn Thủ đô hiện đang gây khó cho người tham gia giao thông. Điển hình như trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, hàng chục biển báo đang bị cây xanh che khuất tầm nhìn hoặc nằm xen kẽ với biển quảng cáo…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, hiện có 4 tổ công tác phản ứng nhanh giúp việc tiếp nhận thông tin; tham mưu đề xuất và thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Các tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, xây dựng các phương án và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xử lý những bất cập về tổ chức giao thông như vạch sơn, biển báo, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông…
Thí điểm dịch vụ internet vệ tinh Starlink: Trải nghiệm chưa dành cho số đông
Tại Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 23-3-2025, Chính phủ cho phép Tập đoàn SpaceX thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trong thời gian 5 năm.
Thông tin về việc thí điểm dịch vụ Starlink, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Anh Cương phân tích, dịch vụ Starlink có bản chất khác hoàn toàn với các dịch vụ viễn thông truyền thống
Dịch vụ này được triển khai sẽ mang lại nhiều trải nghiệm, lựa chọn cho người dùng trong nước.
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Tạo cơ sở quan trọng giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mặc dù Chương trình số 07-CTr/TU có nhiều việc khó, việc chưa có tiền lệ nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 4 năm triển khai, việc thực hiện Chương trình đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU Nguyễn Văn Phong chỉ đạo, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Sử dụng đất dự án để kinh doanh sai mục đích: Cần chấn chỉnh, xử lý quyết liệt
Đất dự án chậm triển khai biến thành sân bóng, nhà xưởng, nơi tập kết vật liệu xây dựng, bãi trông giữ xe... Trên địa bàn toàn thành phố hiện có nhiều dự án chậm triển khai và bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử, một số diện tích đất tại Dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) trở thành nhà xưởng, gara ô tô, quán ăn…
Trước tình trạng còn nhiều dự án chậm triển khai bị các chủ đầu tư sử dụng vào mục đích khác, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tập trung rà soát số lượng và tổ chức xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.
Trong đó, căn cứ kết luận thanh tra, kiểm tra, thành phố đã chỉ đạo đưa 420 dự án ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai nhưng vẫn tiếp tục được giám sát; chỉ đạo tiếp tục đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau gia hạn 24 tháng, kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng với 292 dự án…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.