Chuyển giao bắt buộc Ngân hàng CB và Ngân hàng OceanBank cho Vietcombank và MB; Bồi đắp “Văn hóa chống lãng phí” trong đời sống chính trị, góp phần đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới; Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng; Sài Sơn xây dựng miền quê đáng sống… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 18-10-2024.
Chuyển giao bắt buộc Ngân hàng CB và Ngân hàng OceanBank cho Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng MB:
Quyền lợi của khách hàng được bảo đảm
Chiều 17-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB).
Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Các ngân hàng nhận chuyển giao và được chuyển giao phải thực hiện đúng đề án đã được phê duyệt, tập trung tối đa nguồn lực bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề án đặt ra.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Dưới sự quản lý của Vietcombank và MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB và OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Xu hướng tích cực
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố báo cáo khảo sát, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô “rất tích cực” cao gấp gần 5 lần, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” cao gấp 7 lần so với hồi tháng 4-2023. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tiêu cực” chỉ bằng gần một nửa.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2024, có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý II-2024; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình ổn định. Dự kiến quý IV-2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn so với quý III-2024 và 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình ổn định.
Bồi đắp “Văn hóa chống lãng phí” trong đời sống chính trị, góp phần đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội bàn nhiều về bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có tiêu đề như một thông điệp thể hiện ý chí nâng cao tầm vóc lịch sử cho Đảng ta: “Chống lãng phí”. Trong các quan điểm, các giải pháp đột phá, có một điểm rất đáng chú ý, đó là phải xây dựng văn hóa chống lãng phí.
Đảng ta là con nòi của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, cho nên đã sớm nhận thức đúng đắn tầm vóc, vị thế, vai trò lịch sử của văn hóa Việt Nam trong tiến trình đấu tranh giành độc lập và kiến tạo chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - đó là mệnh lệnh chính trị của Đảng. Đảng ta lãnh đạo cách mạng không phải bằng mệnh lệnh, mà bằng định hướng các giá trị “đạo đức, văn minh”. Thực hành tiết kiệm và tránh lãng phí là một trong những giá trị đạo đức, văn minh trong thể chế chính trị Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, cầm quyền, đưa nước nhà tới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng
Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra những chính sách, giải pháp quan trọng, đột phá. Đây được coi là động lực tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Thủ đô và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Đây cũng là chủ trương được đề cập trong văn bản của Trung ương và thành phố, trong đó có Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Sài Sơn xây dựng miền quê đáng sống
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đã biết khơi dậy sức mạnh nội tại và tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân để đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, trở thành miền quê đáng sống. Đến nay, Sài Sơn đã được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Đến nay, kinh tế - xã hội của xã Sài Sơn tiếp tục tăng trưởng khá, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 71,73 triệu đồng/người/năm; xã còn 1 hộ nghèo; 100% đường trục xã, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm có điện chiếu sáng; các trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2; cơ sở vất chất nhà văn hóa của 6 thôn được nâng cấp, cải tạo khang trang và cài đặt wifi, tủ sách; 100% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.