Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp; Tạo sức ảnh hưởng sâu rộng của Đảng đối với toàn xã hội; Thay đổi tư duy trong giải quyết điểm nghẽn về thể chế; Tết giản dị mà đầm ấm ở một chung cư; Định hình nét mới của kỳ tuyển sinh lớp 10; Vi phạm tại bến đò giáp ranh huyện Thanh Trì và Thường Tín: Chưa quyết liệt xử lý… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 16-1-2025.
Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp
Ngày 15-1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam"
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa; cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra…
Tạo sức ảnh hưởng sâu rộng của Đảng đối với toàn xã hội
Chiều 15-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và một số cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, văn hóa trong Đảng là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng, văn hóa trong Đảng với vai trò là hồn cốt, sự kết tinh sâu sắc của văn hóa chính trị Việt Nam còn có vai trò định hướng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp từ trong Đảng ra toàn hệ thống chính trị và xã hội, góp phần để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thay đổi tư duy trong giải quyết điểm nghẽn về thể chế
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần tập trung giải quyết. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đưa ra những quan điểm thẳng thắn, sâu sắc về thay đổi tư duy trong giải quyết điểm nghẽn về thể chế.
Tết giản dị mà đầm ấm ở một chung cư
Trong vài thập niên trở lại đây, do đời sống vật chất ngày càng được nâng cao nên các hoạt động lễ hội, đặc biệt là không khí đón Tết ngày càng thể hiện sự sung túc, đủ đầy và tương xứng với khả năng thu nhập. Hình ảnh “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” từng là khuôn mẫu về đặc trưng Tết Việt, dường như chỉ còn đâu đó trong kỷ niệm để gợi về ngày xuân xa xưa, hay trong thời bao cấp ở thế kỷ trước. Tuy nhiên, tại chung cư D5A (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) không khí Tết giản dị, đầm ấm vẫn được cư dân ở đây gìn giữ.
Định hình nét mới của kỳ tuyển sinh lớp 10
Ngày 30-12-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, áp dụng từ năm 2025. Đây cũng là năm đầu tiên kỳ tuyển sinh lớp 10 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT đã chính thức định hình những điểm mới của kỳ tuyển sinh này, làm căn cứ để các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập. Tuy nhiên, mối lo và áp lực của năm đầu thi theo chương trình mới là điều khó tránh, nhất là với học sinh ở Hà Nội - khi tỷ lệ chỉ tiêu tuyển chọn vào lớp 10 trường công lập hằng năm chỉ chiếm hơn 60%.
Vi phạm tại bến đò giáp ranh huyện Thanh Trì và Thường Tín: Chưa quyết liệt xử lý
Bến đò Vạn Phúc thuộc địa phận xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) và xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) đang có nhiều tồn tại trong sử dụng đất đai và trật tự xây dựng. Dù vi phạm đã được chỉ rõ, nhưng vẫn không được các cấp chính quyền sở tại giải quyết triệt để.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.