Xã hội

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 12-10-2024

Thư Ký 12/10/2024 06:00

Giá điện tăng 4,8% từ ngày 11-10: Cần tính đúng, tính đủ; Thêm nguồn cung, nhưng giá chung cư khó giảm; Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ: Chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan; Về giao đất, cho thuê đất tại huyện Thanh Trì: Cần siết chặt quản lý... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 12-10-2024.

Giá điện tăng 4,8% từ ngày 11-10: Cần tính đúng, tính đủ

Chiều 11-10, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, từ ngày 11-10-2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng, lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 4,8%. Bất cập về cơ cấu giá điện và lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

viec-co-lo-trinh-tinh-dung-tinh-du-gia-dien-bao-dam-gia-dien-vua-hop-ly-vua-bu-dap-duoc-chi-phi-se-giup-nganh-dien-phat-trien-ben-vung.-anh-ttxvn.jpg
Việc có lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện, bảo đảm giá điện vừa hợp lý, vừa bù đắp được chi phí sẽ giúp ngành Điện phát triển bền vững. Ảnh TTXVN

Để giải quyết những bất cập về giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải tuân thủ Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, tức là đầu vào cứ tăng với mức độ nhất định thì được điều chỉnh giá bán. Chuyên gia này cũng lưu ý, giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá ở mức độ hợp lý.

Nhiều chuyên gia cùng đồng tình về việc cần sớm có lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện, bảo đảm giá điện vừa hợp lý, vừa bù đắp được chi phí, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Điện. Về lâu dài, cần chỉnh sửa cơ chế giá điện trong Luật Điện lực nhằm bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư.


Thêm nguồn cung, nhưng giá chung cư khó giảm

Báo cáo thị trường bất động sản quý III-2024 của nhiều đơn vị tư vấn bất động sản cho thấy, phân khúc nhà chung cư là điểm nhấn bất ngờ nhất khi tiếp đà tăng mạnh giá bán. Một số chuyên gia nhận định, đỉnh giá mới tiếp tục được thiết lập và khó có khả năng giảm trong thời gian trước mắt.

cac-toa-chung-cu-tai-khu-do-thi-vinhomes-smart-city-quan-nam-tu-liem-.-anh-nguyen-quang.jpg
Các tòa chung cư tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Nguyễn Quang

Trước kỳ vọng của nhiều người về giá chung cư sẽ giảm, Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing Trần Quang Trung cho rằng, điều này khó khả thi vì tất cả yếu tố đầu vào của doanh nghiệp phát triển dự án, như chi phí tiền sử dụng đất theo biểu giá mới, chi phí xây dựng, đầu tư về thiết kế sản phẩm... đều đang bị đội lên.

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, đặc biệt ở những vị trí trung tâm, doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lớn để sở hữu. Khi giá đất cao, nếu phát triển các sản phẩm bình dân, doanh nghiệp sẽ lỗ. Vì vậy, các vị trí đẹp sẽ cần những sản phẩm tương xứng, điều này đồng nghĩa với việc giá chung cư sẽ khó giảm.


Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ:
Chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Thời gian gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng. Với phương châm “phòng hơn chống”, Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ ngày 14-10, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ và cộng đồng.

tiem-vac-xin-soi-cho-tre-tai-he-thong-tiem-chung-vnvc.-anh-phong-lan.jpeg
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh Phong Lan

Tại Hà Nội, để chủ động ngăn chặn bệnh sởi lây lan và bùng phát, từ ngày 14-10, thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tổ chức tiêm vét cho các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng đến hết ngày 15-11-2024.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống, học tập trên địa bàn Thủ đô chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (MR).


Tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là khâu then chốt để có thể nâng cao hiệu quả quản lý, nâng chất lượng bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm trong gia đình. Do đó, thời gian qua các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và giám sát chất lượng thực phẩm từ gốc để kịp thời ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

doan-kiem-tra-lien-nganh-huyen-ba-vi-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-tai-bep-an-tap-the-cua-mot-cong-ty-o-xa-cam-thuong.-anh-binh-minh.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ba Vì kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của một công ty ở xã Cam Thượng. Ảnh Bình Minh

Để bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm từ gốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy thông tin, huyện yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật...


Về giao đất, cho thuê đất tại huyện Thanh Trì: Cần siết chặt quản lý

Nhằm quản lý, xử lý các vi phạm đất đai tại huyện Thanh Trì, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành nhiều văn bản về việc rà soát, lập hồ sơ xử lý vi phạm.

thao-do-cong-trinh-vi-pham-tai-du-an-xay-dung-khu-nha-o-cho-can-bo-chien-si-tong-cuc-v-xa-tan-trieu-huyen-thanh-tri-..jpg
Tháo dỡ công trình vi phạm tại Dự án xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Tổng cục V (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Thế nhưng, qua kiểm tra, rà soát trên 550 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, đến nay, huyện Thanh Trì mới phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý được trên 85 trường hợp vi phạm. Để tránh tình trạng đất đai bị sử dụng sai mục đích, đề nghị UBND huyện Thanh Trì sớm có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 12-10-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.