Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu và sự kỳ vọng

Minh Quang| 20/02/2016 08:12

(HNM) - Khai mạc vào chiều nay 20-2, V.League 2016 không chỉ được chú ý bởi cuộc đua đến ngôi vô địch hay trụ hạng mà còn ở những đổi mới trong cách làm của Ban tổ chức giải.

Trước V.League 2016, đã có những thay đổi về nhân sự ở Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) khi ông Phạm Ngọc Viễn không còn ở vị trí Tổng Giám đốc, thay vào đó là ông Cao Văn Chóng, nguyên Giám đốc điều hành CLB B.Bình Dương. Sự thay đổi nhân sự ở cấp điều hành công ty tổ chức V.League được dự báo sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác.

Trong hơn hai tháng qua, những thay đổi này dần xuất hiện, mang tính đột phá của nhà tổ chức. Rõ nhất là việc VPF đã tìm được đối tác để nhận bảo hiểm cho toàn bộ cầu thủ, HLV, trọng tài, giám sát… trong thời gian diễn ra giải đấu. Đó là điều chưa từng xuất hiện ở các kỳ giải V.League mùa trước. Vì từ năm 2015 trở về trước, khi bị chấn thương, cầu thủ chỉ trông vào CLB, bản thân, điển hình là trường hợp cầu thủ Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) mùa giải vừa qua là ví dụ.

Còn bây giờ, họ sẽ được hỗ trợ từ Ban tổ chức giải để vơi nỗi lo khi không may bị chấn thương. Theo công bố của VPF, mức bảo hiểm tối đa cho cầu thủ là 300 triệu đồng/năm, cho trọng tài, giám sát là 200 triệu đồng/năm. Rõ ràng, chẳng ai muốn lâm vào cảnh phải nhận tiền bảo hiểm nhưng ít ra, VPF đã ghi điểm khi xử lý vấn đề trên.

Một trong những "đột phá" khác của V.League mùa này chính là sự hợp tác giữa VPF với Sportradar. Đây là công ty cảnh báo cá cược quốc tế, là nhà cung cấp hàng đầu thế giới trong việc theo dõi phòng, chống và đưa ra giải pháp cho các tổ chức thể thao để hỗ trợ, ngăn ngừa hành vi tiêu cực trong thể thao. Từ lâu, những trận đấu luôn trong vòng nghi vấn khiến V.League thường xuyên "mất giá" trong mắt doanh nghiệp tài trợ, người hâm mộ. Đã có nhiều giải pháp, nhiều lời hô hào nhằm xử lý vấn đề, nhưng từng ấy chưa đủ, thậm chí cách xử lý "dĩ hòa vi quý" khiến mối nghi ngờ càng tăng. Do đó, với sự hợp tác của Sportradar, các thông tin dữ liệu về mọi trận đấu sẽ được tổng hợp để Ban tổ chức giải xử lý kịp thời nhằm bảo đảm sự trong sạch của bóng đá Việt Nam.

Việc tìm đến nhà tài trợ bóng Grand Sport để các cầu thủ được thi đấu với bóng đúng tiêu chuẩn FIFA thay vì bóng Động Lực như nhiều mùa giải trước cũng cho thấy những tín hiệu mới. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là sự điều hành nhất quán, quyết đoán của Ban tổ chức. Có thể hy vọng vào điều này sau câu chuyện ra quyết định về số đội xuống hạng mùa này của Ban tổ chức giải. Đã có không ít đề xuất V.League 2016 chỉ nên có 1 đội phải xuống hạng.

Với đề xuất này, V.League sẽ khó hấp dẫn ở đoạn cuối bởi lúc ấy, số đội trụ hạng sẽ nhiều và sẽ nảy sinh vô số tình huống bất lợi cho công tác điều hành giải đấu. Thực tế, đề xuất trên chỉ có lợi cho một số đội chông chênh về lực lượng. Vì thế, việc Ban tổ chức giải vẫn quyết định sẽ có 1 đội phải xuống hạng còn đội áp chót sẽ phải dự trận tranh vé vớt V.League mùa sau với đội thứ nhì của Giải Bóng đá hạng nhất quốc gia. Quyết định ấy có thể làm mất lòng một số CLB nhưng về đại cuộc lại giúp giải đấu kịch tính và hấp dẫn hơn, đặc biệt ở giai đoạn cuối.

Chưa biết hiệu quả cách làm của VPF cũng như Ban tổ chức V.League mùa này sẽ ra sao, nhưng có thể hy vọng vào một diện mạo mới, tích cực hơn của giải đấu được quan tâm nhất làng bóng đá quốc nội này trong năm 2016.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu và sự kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.