(HNM) - Không thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng Anh - một quốc gia trụ cột của Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão nợ công đang quần đảo Lục địa già suốt gần hai năm qua.
Bế tắc trong các cuộc bàn thảo gần đây nhằm tháo gỡ tình trạng khó khăn về tài chính ở khu vực này đang khiến tâm lý hoài nghi về sức sống của EU gia tăng mạnh ở xứ Sương mù. Việc hơn 100.000 cử tri Anh ký vào bản kiến nghị yêu cầu Chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Anh trong EU là minh chứng rõ nhất.
Không nằm trong Eurozone nhưng nợ công của Anh cũng đã lên tới 900 tỷ bảng. |
Tuy bản kiến nghị bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện tối 24-10, song kể từ khi gia nhập EU có lẽ đây là lần đầu tiên Quốc hội Anh có cuộc tranh luận nảy lửa về chủ đề có hay không tiếp tục ở trong ngôi nhà chung 27 thành viên. Cử tri xứ Sương mù đã tỏ ra mệt mỏi và không còn đủ kiên nhẫn trước những hậu quả mà bão nợ gây ra cho Cựu lục địa.
Bản chất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không phải do sự yếu kém trong quản lý của Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, cũng không phải là việc những khoản nợ của các nước này nằm quá nhiều trong bảng cân đối tài chính của các ngân hàng châu Âu. Điều không thể dự báo là EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930 trong khi quá trình nhất thể hóa vẫn chưa đi hết quãng đường phải hoàn thành. Eurozone ở một khía cạnh nào đó đã hội nhập "quá nhanh" tạo sức lan tỏa xuyên biên giới dẫn tới những lộn xộn trong các nền kinh tế, nhưng ở khía cạnh khác lại không hội nhập đủ để có được khả năng mang tính tổ chức nhằm xử lý tốt khủng hoảng. Mâu thuẫn nảy sinh và ngày càng bị khoét sâu khi những nước không thuộc Eurozone không chấp nhận việc đứng nhìn các nước trong Eurozone đưa ra quyết định làm ảnh hưởng đến thị trường chung. Đây là yếu tố làm gia tăng lo ngại về một châu Âu có hai xung lực, khó có thể tìm được tiếng nói chung trong các quyết sách nhằm ngăn chặn "đại dịch" nợ công đang lây lan với tốc độ cháy rừng.
Hy vọng các nhà lãnh đạo EU sẽ đạt được một giải pháp toàn diện tại Hội nghị Thượng đỉnh EU (từ ngày 26 đến 30-10) là rất mong manh. Màn tranh cãi giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron về quyền được tham gia vào các quyết sách của Eurozone tại cuộc gặp ngày 24-10 trên thực tế chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, cho thấy sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ EU. Còn rất nhiều chướng ngại khác mà các quốc gia cần phải vượt qua để đi tới sự thống nhất nhằm ngăn chặn những khối u nợ "di căn". Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực không có nhiều trong đó đáng lo ngại là xu hướng muốn "chia tay trong hòa bình".
Sở dĩ, việc nước Anh rút khỏi EU không có nhiều khả năng xảy ra vào thời điểm này là vì câu chuyện địa lý đã khẳng định Anh gắn liền với châu Âu, sự thịnh vượng của họ gắn liền với EU chứ không phải những "anh em xa" như Australia hay Mỹ. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong EU càng lộ rõ thì lý do để thuyết phục các cử tri gắn bó với ngôi nhà chung này càng bớt đi. Do vậy, người ta hoàn toàn có cơ sở để lo ngại, Anh sẽ là quốc gia khai hỏa cho làn sóng "ly khai" vốn đang âm ỉ trong liên minh 54 tuổi này.
Trước đây, các quốc gia sáng lập EU không đề cập đến việc các nước thành viên có được rút ra khỏi liên minh hay không vì theo họ, một khi đã gia nhập cộng đồng châu Âu, các nước sẽ là thành viên vĩnh viễn. Nghĩa là có một cửa để vào, nhưng không có cửa để ra. Tuy nhiên, nhằm thể hiện mục tiêu xây dựng dân chủ trong EU, Hiệp ước Lisbon được các thành viên thông qua năm 2009 đã có điều khoản cho phép một hoặc nhiều nước rút khỏi EU. Vì vậy, Anh có thể rút khỏi EU bất cứ lúc nào.
Nếu việc này xảy ra, EU sẽ nhận một cú đánh kinh hoàng vì hơn một nửa trao đổi thương mại hiện tại của Anh được thực hiện với EU. Các doanh nghiệp châu Âu thực hiện nhiều giao dịch mua bán, sáp nhập thông qua thị trường chứng khoán London. Việc này cũng sẽ khiến châu Âu chao đảo và đồng euro sẽ bị suy yếu nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.