Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 7-1, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 31-12-2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023.
Với các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, tổng doanh số cho vay đạt 23 triệu tỷ đồng và thu nợ khoảng 21 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cuối năm 2024 là 15,6 triệu tỷ đồng, tăng thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng so với năm 2023 là 13,6 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đưa vào nền kinh tế rất cao.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, công tác điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt 3,63%, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%; hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.
Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ.
Tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường. Theo ông Đào Minh Tú, tỷ giá có lên có xuống, thay đổi theo cung cầu thị trường, hài hoà cho xuất, nhập khẩu. Đồng Việt Nam giảm giá 5,03% vẫn trong tầm kiểm soát.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực. Trong đó, 11 tháng năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 30,73% về số lượng và 15,92% về giá trị.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.