Chiều 2-11, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Hà Nội từ năm 2020 đến nay.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2020 đến nay, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành 38 văn bản. Căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ được giao, Sở đã xây dựng và ban hành 98 văn bản gồm các quyết định, tờ trình, báo cáo và các công văn về hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, phổ biến và triển khai các nội dung có liên quan đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, Sở đã nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống, quy mô tổ chức tại các phiên giao dịch việc làm được mở rộng trên phạm vi toàn thành phố, chất lượng được nâng cao. Qua đó, đã có 20-30 nghìn người lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ giải quyết việc làm toàn thành phố qua các năm đều vượt kế hoạch. Năm 2020, thành phố giải quyết việc làm cho 180.578 lao động, đạt 116% kế hoạch; năm 2022 giải quyết việc làm cho 203.027 người (đạt 127% kế hoạch), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Về kết quả hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động, từ năm 2020 đến hết tháng 9-2023, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội là 10.440 tỷ đồng, tăng 6.750 tỷ đồng so với năm 2019; thu hút, tạo việc làm cho 309.090 người lao động.
Nguồn vốn cho vay đã góp phần tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi “tín dụng đen”, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nêu một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện các quy định về giải quyết việc làm cho người lao động, như: Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mặc dù đã được thành phố quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho lao động khuyết tật.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm chất lượng các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động gắn bó, ổn định công việc; tham mưu, phối hợp làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, nhất là khu vực lao động nông thôn. Trong đó, Sở cùng với các ngành, đoàn thể quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thanh niên; thực hiện chính sách việc làm cho lao động nữ...
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Sở nghiên cứu, đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững; tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.