Ngày 8/9, trao đổi với phóng viên tại Quảng Bình, Tiến sĩ Hà Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần, Viện cây Lương thực và Thực phẩm Việt Nam đã khẳng định thông tin ăn gạo của giống lúa P6 đột biến gây vô sinh chỉ là tin đồn thất thiệt.
Giống lúa P6 đột biến. (Nguồn: Internet) |
Trước đó, thông tin ăn gạo giống lúa P6 đột biến gây vô sinh được đồn thổi tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã làm cho nhiều nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè-Thu 2011 vô cùng điêu đứng vì không thể bán được lúa do mình sản xuất ra.
Mỗi lần đưa ra chợ bán, nếu người mua phát hiện ra đây là lúa, gạo của giống P6 đột biến là người mua bỏ đi ngay, gây hoang mang trong dư luận.
Tiến sĩ Hà Văn Nhân, tác giả của việc chọn tạo ra giống lúa P6 đột biến cho biết, giống lúa này được ông chọn tạo ra từ năm 2004 và trồng thử nghiệm hầu hết ở các tỉnh phía Bắc và cho năng suất cao, được nông dân ưa chuộng.
Năm 2009, Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống lúa thuần - Viện cây Lương thực và Thực phẩm Việt Nam cung cấp cho huyện Quảng Ninh, Quảng Bình hơn 5kg để trồng thử nghiệm trên 500 m2 tại xã Lương Ninh, tại đây giống lúa này đã thích ứng nhanh, phát triển tốt, cho năng suất cao.
Vụ hè thu năm 2011 là vụ thứ 5 mà huyện Quảng Ninh sử dụng giống lúa này vào sản xuất trên diện tích trên 120 ha. Với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với với vụ sản xuất Hè-Thu, nhất là thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 75-85 ngày).
Giống P6 đột biến là loại giống chạy lũ phù hợp với điều kiện thời tiết của miền Trung, theo kết quả đánh giá, năng suất bình quân của giống lúa này đạt 50-55 tạ/ha.
Hiện nay huyện Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình trồng thử nghiệm giống lúa P6 đột biến. Đây là một trong những nỗ lực, cố gắng của huyện trong việc tìm kiếm và thử nghiệm giống lúa mới phù hợp đất, đai thổ nhưỡng nơi đây nhằm rút ngắn thời gian sản xuất trong vụ Hè-Thu để tránh gây thiệt hại cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.