Sách

Tìm về Tết chốn cung đình

Vân Lam 09/02/2025 09:04

Có những cuốn sách sử ghi lại những trận đánh dữ dội, những chiến công hiển hách hay những nhân vật anh hùng, nhưng cũng có những cuốn sử chỉ đơn thuần ghi chép lại những việc, những người, có thể là địa lý, thắng cảnh, núi động sông hồ, hoặc có thể là phong tục, ăn mặc, lễ nhạc… “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long là cuốn sách có “đề tài hẹp” giới hạn trong chốn cung đình, nhưng mang đến nhiều thông tin thú vị, mới mẻ.

sach-1.jpg

Không ít độc giả ngày nay hẳn từng có lần tò mò: Xưa kia, vua nước Việt ăn Tết như thế nào? Triều đình có những nghi lễ gì, tổ chức ra sao? Các quan triều đình có được thưởng Tết? Lịch nghỉ Tết và chuyện trực ban được tổ chức ra sao? Trong cung đình ngày Tết có thú chơi gì? Những câu hỏi này có thể tìm được lời đáp trong cuốn sách “Tết chốn vàng son”. Tác giả Lê Tiên Long đã "ngụp lặn" kiếm tìm trong hàng ngàn trang sử của cha ông để biên chép, tổng hợp, ghi lại chuyện đón Tết nghênh xuân nơi cung đình.

Theo tác giả, triều đình Việt Nam thời phong kiến nghỉ Tết từ khá sớm, như triều nhà Nguyễn nghỉ Tết từ 25 tháng Chạp đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Nhờ khoảng nghỉ dài, các quan và người hầu cận vua cũng có thể chăm lo cho cái Tết của gia đình. Nếu trong dân gian có tục “rước ông bà” về ăn Tết thì trong hoàng cung cũng có lễ Hợp hưởng để vua báo cáo tổ tiên những việc đã làm trong năm qua. Sau đó là các nghi lễ khác trong Tết như lễ Trừ tịch vào đêm cuối năm, lễ ba ngày Tết, lễ tế trời (tế Giao), tế Xã Tắc (thần Đất và thần Nông), lễ tế hưởng bốn mùa… Còn triều đình có các lễ Lạp tế, Thượng nêu, Phất thức, Khai hạ (hạ nêu), Hợp bửu, Khai bửu…

Ngoài ra, còn có lễ Tịch điền với nghi lễ tế thần Tiên nông để khuyến khích nhân dân chăm lo sản xuất. Và để bảo vệ đất nước, các triều vua Việt cũng thường tổ chức duyệt binh, tập trận mỗi dịp xuân về. Trong các ngày Tết, vua nhà Nguyễn thường chỉ tổ chức các hoạt động nghi lễ trong phạm vi cấm thành, ngày mùng 3 Tết một số vua đi thăm thầy dạy học, ngày mùng 5 Tết, vua đi du xuân, thường là thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài kinh thành.

Dày hơn 230 trang, “Tết chốn vàng son” mang đến 35 câu chuyện được chia trong 2 phần chính: “Cung đình chuẩn bị đón Tết” và “Vua quan ăn Tết” với các bài viết thú vị như “Những nghi lễ trong cung đình Việt ngày Tết”, “Quê vua ngày Tết”, “Chuyện dùng ấn “Hoàng đế chi bảo”, “Cây nêu trong cung đình ngày Tết”, “Vua ban thưởng cho quần thần ăn Tết”, “Nước thiêng để thờ trong cung đình ngày Tết”, “Đầu xuân tế Xuân hưởng”, “Thú chơi trong cung đình ngày Tết”, “Đầu xuân, hoàng tử khai giảng”, “Nơi ban bố chiếu chỉ đầu năm”, “Ngăn tệ cờ bạc đầu xuân”, “Chén trà đầu xuân của vua chúa, thường dân”, “Rằm tháng Giêng - Tết Thượng nguyên”…

Theo nhà báo Yên Ba, có thể gọi “Tết chốn vàng son” là một cuốn sử, bởi “tác giả Lê Tiên Long chủ yếu dựa vào những cuốn chính sử đồ sộ của cha ông, làm cái công việc tỉ mẩn là lọc lựa, biên chép, kết nối các dữ kiện, nhân vật, chuyện kể, hình thành những câu chuyện nhỏ, để người của hôm nay biết chuyện của hôm xưa, nơi chốn cung đình đã đón xuân, ăn Tết như thế nào. Đằng sau những nghi lễ, quy chế, thể lệ có phần khác lạ nơi chốn cung đình ấy là những câu chuyện thuộc về văn hóa của ông cha ta xưa. “Tết chốn vàng son” là một cuốn sách nhỏ mà thật sự hữu ích”.

Cuốn sách do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm về Tết chốn cung đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.