Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA vừa phát hiện được 11 thái dương hệ mới trong vũ trụ, quy tụ tới 26 hành tinh bên trong.
Như vậy là sau hai năm dò quét, tổng cộng Kepler đã tìm thấy tới 60 hành tinh mới. Điều đáng nói là phạm vi quét của Kepler không hề rộng. “Chúng tôi chỉ mới khởi động ở một vùng trời không lớn quá bàn tay của bạn, vậy mà chỉ sau 2 năm đã tìm thấy hơn 60 hành tinh mới. Có thể nói, thiên hà của chúng ta chứa đầy các hành tinh, với đủ mọi kích cỡ và quỹ đạo”, chuyên gia Doug Hudgins của NASA chia sẻ với DailyMail.
Chỉ sau hai năm, Kepler đã tìm thấy 11 hệ mặt trời mới trong vũ trụ.
Các hành tinh mới phát hiện có quỹ đạo quay khá gần với ngôi sao chủ (tất cả đều gần hơn khoảng cách từ sao Kim đến Mặt trời), với đường kính dao động từ 1,5 lần Trái đất đến lớn hơn cả sao Mộc. Có 15 hành tinh lớn hơn Trái đất nhưng bé hơn sao Thủy. Tuy nhiên, sẽ cần có thêm thời gian quan sát để xác định hành tinh nào có bề mặt gồ ghế, nhiều đá giống như Trái đất và hành tinh nào sở hữu bầu khí quyển dày, toàn khí gas như sao Thủy, ông Hudgins cho biết.
Kepler-33, một ngôi sao lâu đời và lớn hơn Mặt trời của chúng ta, được nhiều hành tinh xoay quanh nhất. Thái dương hệ của Kepler-33 bao gồm 5 hành tinh, với kích cỡ lớn gấp Trái đất từ 1,5-5 lần.
Kính viễn vọng Kepler nhận dạng các “ứng viên sao mới” bằng cách đo đi đo lại nhiều lần những thay đổi về độ sáng của chúng, khi một hành tinh nào đó di chuyển cắt mặt ngôi sao. Hành trình này sẽ tạo ra một bóng khuất về phía Trái đất và kính viễn vọng Kepler.
Trước đó, hồi giữa tháng Một, kính viễn vọng Hubble cũng đã tìm thấy một cụm thiên hà xa chưa từng thấy trong vũ trụ. Bao gồm 5 thiên hà nằm gần nhau, cụm thiên hà này cách Thái dương hệ tới 13,1 tỷ năm ánh sáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.