Một nhóm các nhà vật lý thiên văn với sự tham gia của Đại học Năng lượng nguyên tử quốc gia MEPhI đề xuất một lý thuyết giải thích mức độ cao bất thường của phản vật chất trong tia vũ trụ được quan sát thực nghiệm là hậu quả của một vụ nổ siêu tân tinh gần Hệ Mặt trời.
Trong những năm gần đây, một số thí nghiệm đã cho thấy những hiện thượng bất thường trong quang phổ của tia vũ trụ. Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện ra dòng chảy cao của phản vật chất (positron và phản proton), cũng như những thay đổi trong dòng chảy proton và heli tùy thuộc vào năng lượng của chúng (hiện tượng như vậy không xảy ra nếu chỉ có một nguồn ánh sáng duy nhất). Hơn nữa, đã ghi nhận những hiện tượng bất đẳng hướng (tính không đồng đều của môi trường) của tia vũ trụ.
Các nhà khoa học đã đề xuất khá nhiều giả thuyết giải thích một vài hiện tượng bất thường trong số đó. Còn một nhóm các nhà vật lý thiên văn từ Nga, Pháp và Thụy Sĩ đưa ra giả thuyết giải thích tất cả các hiện tượng bất thường trong tia vũ trụ đã được phát hiện thời gian gần đây.
Theo lý thuyết mới đã được phát triển với sự tham gia của Đại học Năng lượng nguyên tử quốc gia (MEPhI Matxcơva, Nga), Viện Vật lý tại Trondheim (Na Uy), Viện Thiên văn học của Đại học Geneva, Đại học Diderot (Paris, Pháp) và Đài thiên văn Sorbonne (Paris, Pháp), một trong những nguyên nhân chính của các hiện tượng bất thường được quan sát thấy là vụ nổ siêu tân tinh đã xảy ra gần Hệ Mặt trời.
Trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, một trong những tác giả của lý thuyết được công bố trên Tạp chí Physical Review, Giáo sư Dmitry Semikoz từ đại học MEPhI giải thích thêm rằng, vụ nổ siêu tân tinh đã xảy ra khoảng 2,3 triệu năm trước cách Hệ Mặt trời khoảng 220-450 năm ánh sáng (tức là ở khoảng cách lớn gấp 50-100 lần so với khoảng cách giữa Mặt trời và Proxima Centauri, ngôi sao gần nhất với Mặt trời).
Theo nhà khoa học, kết quả nghiên cứu lớp vỏ dưới đáy đại dương và các mẫu đất, đá lấy từ Mặt trăng cho thấy rõ rằng, khoảng 2 triệu năm trước đã xảy ra vụ nổ siêu tân tinh gần Hệ Mặt trời. Chất chỉ thị thời gian của sự kiện vũ trụ này là lượng sắt đồng vị Fe60, vì chỉ có siêu tân tinh mới có thể tách ra chất này.
"Nếu sự kiện đó tái diễn, Trái đất sẽ phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu toàn cầu và sự gia tăng đáng kể mức độ bức xạ. Nếu vụ nổ siêu tân tinh xảy ra ở khoảng cách gần hơn 10 lần thì đây sẽ là một thảm họa cho sự sống trên hành tinh chúng ta", ông Dmitry Semikoz cho biết.
"Tùy theo khoảng cách đến siêu tân tinh, hầu hết hoặc tất cả sự sống trên Trái đất sẽ không còn tồn tại", Giáo sư MEPhI cho biết thêm.
May mắn thay, những sự kiện như vậy là rất hiếm. Vụ nổ siêu tân tinh ở khoảng cách mấy trăm parsec từ Trái đất thường xảy ra khoảng vài triệu năm một lần. Còn những vụ nổ siêu tân tinh ở khoảng cách mười parsec thực sự đe dọa sự sống trên Trái đất chỉ xảy ra một lần trong vài tỷ năm.
Trước đó, ông Dmitry Semikoz cùng với các đồng nghiệp Mỹ và châu Âu đã chứng minh rằng, vụ "bắn phá" Trái đất bằng dòng tia vũ trụ phát ra sau vụ nổ siêu tân tinh ở khoảng cách 300-600 năm ánh sáng khoảng 3,2 và 8,7 triệu năm trước đã vặn lại "đồng hồ sinh học" của các động vật và đã đẩy nhanh tiến độ tiến hóa sinh học trên hành tinh chúng ta vì số lượng đột biến do nồng độ phóng xạ cao đã tăng mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.