Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm người vô danh

LECHUNG| 14/12/2004 21:44

Năm 1959, những ngày đen tối và quyết liệt, khi cách mạng miền Nam từ trong máu và nước mắt, trong đau thương và chết chóc đang gượng mình đứng dậy, ra sức chuyển đêm thành ngày. Tỉnh ủy bí mật Quảng Nam, bấy giờ thật sự chỉ còn là một nhóm người đói khát mà cháy bỏng ý chí và khát vọng, đang náu mình trong một khu rừng sâu dưới chân ngọn núi Chúa. Cái tỉnh ủy bí mật ấy có một ban quân sự. Gọi là quân sự, kỳ thực chỉ là một nhúm vũ trang mà số người đếm được trên đầu ngón tay, do anh Nguyễn Chơn phụ trách. Họ có một điện đài hết sức thô sơ...

Các chiến sĩ đoàn 759

Năm 1959, những ngày đen tối và quyết liệt, khi cách mạng miền Nam từ trong máu và nước mắt, trong đau thương và chết chóc đang gượng mình đứng dậy, ra sức chuyển đêm thành ngày.

Câu chuyện của Nguyễn Chơn

Tỉnh ủy bí mật Quảng Nam, bấy giờ thật sự chỉ còn là một nhóm người đói khát mà cháy bỏng ý chí và khát vọng, đang náu mình trong một khu rừng sâu dưới chân ngọn núi Chúa. Cái tỉnh ủy bí mật ấy có một ban quân sự. Gọi là quân sự, kỳ thực chỉ là một nhúm vũ trang mà số người đếm được trên đầu ngón tay, do anh Nguyễn Chơn phụ trách. Họ có một điện đài hết sức thô sơ...

Một đêm nọ, cái điện đài ấy nhận được một bức điện bí mật từ Hà Nội chuyển vào: “Trung ương gửi cho các đồng chí Quảng Nam một số súng bằng đường biển. Thuyền sẽ vào bến Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân. Hãy cử người đón, từ đêm mồng một Tết âm lịch”.

Nguyễn Chơn được giao nhiệm vụ đi đón chuyến vũ khí đó. Ngày trốn trong hang đá. Đêm ra ngồi trên những tảng đá hoang vắng, tê buốt, chong mắt nhìn ra biển đen, sục tìm bóng dáng một con thuyền.

Đêm nào cũng vậy. Gạo hết. Cả củ chuối rừng cũng đã đào ăn hết.

Một đêm. Hai đêm. Ba đêm... Mười đêm... Hai mươi đêm... Một tháng ròng...

Thuyền không đến. Súng không đến. Còn người?

Anh Nguyễn Chơn nói:

- Cho đến tận hôm nay, tôi cũng không hề được biết những người tôi phải đi đón ngày ấy là ai.

Im lặng một lúc lâu rồi anh lại nói:

- Có lẽ chỉ có thể đoán rằng những thủy thủ đó chắc phải là người Quảng Nam, hẳn quê một làng, một xã nào đó cũng quanh chân đèo này thôi, có thể từng là dân đánh cá rất am hiểu biển bờ núi non ở đây, hẳn người ta phải chọn những người như vậy để đưa con thuyền bí mật vào bến này...

Một người vô danh

Ước đoán đó của anh Nguyễn Chơn bỗng gợi lên cho chúng tôi một ý tưởng: có thể tìm ra, ít nhất là đôi chút dấu vết của những người thủy thủ vô danh đã biệt tích mãi mãi ấy, ở đâu đó trong các xóm làng ven chân ngọn đèo này chăng?

Chúng tôi la cà trong làng chài Nam Ô. Gặp các mẹ, các bà, các cụ già... Và kỳ lạ thay chúng tôi tìm ra, không phải là một dấu vết mà là một con người. Một thủy thủ của chuyến đi đầu tiên huyền thoại ấy. Con người ấy còn sống. Một ngư dân làng chài Nam Ô hôm nay: anh Huỳnh Ba.

Đó là một người đã hơn 60 tuổi, tóc muối tiêu, chân mày đã có sợi bạc. Ngồi lẫn trong đám ngư dân trên bãi biển hôm nay thật khó nhận ra ở anh một nét gì đặc biệt, thậm chí anh còn có vẻ hơi lẩn khuất trong đám người ồn ào.

Chỉ thật tinh mới có thể dần dần nhận ra điều này: anh không có hoặc là đã đánh mất đi nét tính cách thường gặp phổ biến ở những người dân biển: khoáng đạt, ồ ạt, liều lĩnh, ồn ào, ăn sóng nói gió, bạt mạng. Ở anh là sự trầm tĩnh, suy tính, cẩn trọng. Đôi mắt rất kín đáo, luôn quan sát, dò xét, tính toán. Anh nói chậm và nhỏ, ít lời, như cân nhắc từng lời nói ra.

Tất cả ở anh đều thể hiện một tính cách chín chắn, cẩn trọng, có lẽ đúng hơn nữa: cảnh giác. Sự gan dạ, có thể là sự gan dạ đến quyết liệt, gan lì ẩn sâu trong đôi mắt màu nâu đục nặng trĩu suy tư.

Ngày ấy, người ta đã chọn một con người như vậy để tiến hành chuyến mở đường đầu tiên mạo hiểm xuyên biển Đông: một con người đã từng trải trong hoạt động địch hậu, biết giấu dưới cái vẻ mộc mạc, giản dị, bình thường, tầm thường bên ngoài của mình sự mưu trí vừa liều lĩnh quyết liệt vừa cẩn trọng, và cái quyết tâm có thể còn rắn hơn cả sắt thép.

Tiểu đoàn 644, hay có khi còn gọi là đơn vị 759, tức là cái “tập đoàn đánh cá miền Nam” mạo danh đóng ở cửa sông Gianh ngày ấy, tập hợp toàn những con người như vậy đấy, không nhiều.

Một số ra Bắc từ ngày tập kết 1954, một số ở lại trong Nam, là đảng viên được bố trí nằm vùng hoạt động bí mật trong lòng địch, rồi sau đó vượt tuyến ra Bắc theo một mật lệnh phát ra từ một trung tâm chỉ đạo nào đó mà chính họ cũng không hề biết.

Huỳnh Ba thuộc loại thứ hai. Anh là đảng viên, được bố trí ở lại nằm vùng. Và giữa năm 1959 Huỳnh Ba nhận được lệnh bí mật tìm đường vượt tuyến, qua sông Hiền Lương, ra Bắc... Anh trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của “tập đoàn đánh cá miền Nam” ở cửa sông Gianh.

Ở đấy họ đi đánh cá thật sự cùng với ngư dân địa phương để ngụy trang. Và bí mật đóng thuyền: những chiếc thuyền đánh cá hệt kiểu thuyền Quảng Nam, ở Quảng Nam người ta gọi là ghe bầu.

Những ngày tháng chạp năm 1959. Ở “tập đoàn đánh cá miền Nam” tại cửa sông Gianh, người ta khiêng, chất đống những thùng hàng bọc vỏ thiếc, những bó súng quấn vải dầu chống thấm.

4 giờ chiều.

Trên bến sông Gianh, 10 con người, năm người đi tiễn năm người sẽ lên đường. Chén rượu chia tay. Những cái nắm tay siết chặt, rất có thể là lần cuối cùng.

Cánh buồm được kéo lên, trắng nhờ trong đêm đen.

Một cơn gió bất ngờ ào đến.

Chiếc ghe giả rời bến, lao ra khơi, lao vào đêm đen.

Và mất hút trong màn đêm đặc kín.

Bên chiếc máy điện tín thô sơ, một cô báo vụ viên đang hối hả gõ nhịp máy. Bức điện viết:

Gửi Tỉnh ủy Quảng Nam,
Thuyền rời bến 30 tết. Dự kiến đến sau hai ngày. Đón tại Hố Chuối chân đèo. Nhận được báo cáo...

Chuyến đi mở đường

Anh Huỳnh Ba kể lại với chúng tôi câu chuyện năm xưa của anh trên một chuyến anh rủ chúng tôi cùng đi biển đánh cá. Câu chuyện được rì rầm kể lại trên biển đêm yên tĩnh.

- Chúng tôi có năm người: anh Nguyễn Xanh, quê Tam Kỳ, về sau đã hi sinh. Anh Trần Mức, quê Quảng Ngãi, về sau có về làm cán bộ huyện đội Mộ Đức, Quảng Ngãi, cũng đã hi sinh. Anh Huỳnh Sơn, người Thăng Bình, đã hi sinh. Anh Nguyễn Nử, người Duy Nghĩa, Duy Xuyên, cũng đã hi sinh.

Và tôi. Nay còn lại mỗi mình tôi.

Tất cả chúng tôi đều từng là thủy thủ trong các đội thuyền chở vũ khí bí mật từ Khu 5 vào Khu 6 và Nam bộ thời chín năm chống Pháp. Thời ấy chúng tôi từng có kinh nghiệm: ra đi vào đúng những ngày dông bão lớn, biển động hoặc những ngày tết. Ấy là những lúc địch xao nhãng tuần tra trên biển. Giờ đây cũng vậy, ra đi đúng đêm 30 tết.

Đêm thứ nhất, tức đêm giao thừa, đã phải vật lộn với gió cấp 5, cấp 6. Đến sáng mồng 1 thì trời xuống gió to hơn: cấp 7, cấp 8. Vẫn ra sức chống chèo. Khoảng 12 giờ trưa, bị gãy mất tay lái. Nhưng chúng tôi còn một tay lái dự phòng. Đến trưa mồng 2 thì gãy tiếp tay lái thứ hai. Kéo lên sửa mấy lần không được. Bây giờ thì đành thả trôi.

Sáng mồng 4, tôi nhận ra đảo Lý Sơn cách chừng 6- 7km. Biển đã lặng. Biển lặng thì dân Lý Sơn đổ ra đánh cá nhiều. Mà bọn thuyền địch cũng ra. Tức là có nguy cơ bị bắt. Chúng tôi quyết định thủ tiêu hàng hóa. Tất cả có 6 tấn: 500kg vải, 400kg nilông đi mưa và thuốc men, chủ yếu là thuốc chống sốt rét. Còn lại toàn súng đạn. Vứt hết xuống biển. Có một nguyên tắc: tuyệt đối không để hàng rơi vào tay địch...

4g30 chiều hôm đó chúng tôi bị bắt. Đã bàn với nhau trước: chúng tôi là thuyền đánh cá, bị bão trôi dạt vô đây. Tất nhiên là chúng không tin. Bị giam ở đảo Lý Sơn một tuần. Rồi đưa về Đà Nẵng nhốt hai tháng rưỡi. Rồi vào Tổng nha Sài Gòn. Rồi Chí Hòa. Lao Chí Hòa đầy quá lại gửi qua lao Gia Định.

Đầu năm 1961 về Phú Lợi. Năm 1964 nhà lao Phú Lợi giải tán, tôi ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo, lâu lâu lại bị gọi về Sài Gòn tra khảo, khai thác. Trước sau tôi ra Côn Đảo tất cả 12 lần... Cho đến cuối năm 1974 tôi được thả ra. Bệnh tật, xơ xác. Lần mò về được đến Nam Ô cũng vừa là ngày giải phóng Đà Nẵng, 29-3-1975...

Sau chuyến mở đường đầu tiên thất bại, có một cuộc họp đã diễn ra bên tấm bản đồ lớn, đất và biển miền Nam. Rồi một bức điện tuyệt mật được đánh đi từ cơ quan đầu não tối cao:

Gửi Trung ương Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam,

Các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật vượt biển ra Bắc, báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển. Rồi trực tiếp dẫn tàu vào...

Một hành trình mới xuyên biển lại bắt đầu, từ phía Nam ra...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Tìm người vô danh

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.