Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm mô hình để tổ chức tốt khu dân cư

Đà Đông| 04/08/2012 07:33

(HNM) - Quyết định số 42/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc


Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý mô hình, tổ chức khu dân cư hiện nay.Ảnh: Bá Hoạt

Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 42 có quy định, quy mô thôn mới ở vùng đồng bằng phải có từ 150 hộ và vùng miền núi phải có từ 50 hộ trở lên, tổ dân phố phải có từ 70 hộ trở lên. Cũng theo quyết định, thôn có dưới 1.500 người có trưởng thôn và một phó thôn; thôn có trên 1.500 người cứ thêm 500 người được thêm một phó thôn, nhưng tối đa không quá 3 phó thôn. Tương tự, đối với tổ dân phố cũng vậy, tối đa không quá 1 tổ trưởng tổ dân phố và 3 tổ phó. Hà Nội cũng khuyến khích các quận từng bước thu gọn số lượng tổ dân phố trên cơ sở bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Quy định có từ năm 2010 nhưng đến nay mô hình tổ chức dân cư tại nhiều phường, xã, thị trấn của TP Hà Nội vẫn tồn tại những hình thức với quy mô, tên gọi khác nhau như khu dân cư, cụm dân cư, tổ dân phố, thôn, làng, xóm. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP, nhiều ý kiến đánh giá quy chế ban hành theo Quyết định số 42 của TP còn bất cập, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở.

Về bộ máy quản lý, tại quy chế chỉ rõ mỗi tổ dân phố, mỗi thôn chỉ có tối đa 1 tổ trưởng và 3 tổ phó. Việc này đã khiến không ít địa phương lúng túng trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Thực tế có rất nhiều thôn trên địa bàn Hà Nội có số dân tới năm bảy nghìn người. Ông Đoàn Vũ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì cho biết, mô hình tổ chức dân cư hiện nay còn nhiều bất cập. Huyện Thanh Trì có nhiều thôn như Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) có 1.202 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, Triều Khúc (xã Tân Triều) có tới 2.500 hộ dân với gần 10.000 dân nhưng bộ máy tại thôn vẫn chỉ có một trưởng ban công tác Mặt trận, một trưởng thôn và các phó thôn như quy định của TP. Nếu chiếu theo Quyết định 42 của UBND TP, thì đội ngũ các cán bộ thôn ở đây đang bị "quá tải" công việc. Dân số đông nên việc tổ chức các cuộc họp của thôn cũng không thể đồng thời một lúc, chưa nói đến việc tổ chức các hoạt động chung. Số lượng cán bộ thôn ít, việc sâu sát nắm tình hình cơ sở gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, những thôn đông dân lại đang nằm trong khu vực đô thị hóa nhanh nên thành phần dân cư cũng rất đa dạng, phức tạp.

Mặt khác, với người dân sống tại các khu vực thành thị, cụm từ "khu dân cư" được sử dụng khá quen thuộc và thường xuyên. Nhiều phường trong khu vực nội thành Hà Nội hiện nay chia dân cư theo "khu dân cư" như phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) hiện nay có 1.482 hộ được chia theo 9 khu dân cư. Mới đây, UB MTTQ TP đã tổ chức một hội thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Thậm chí, nhiều phong trào mang tên "khu dân cư văn hóa", "khu dân cư bảo vệ môi trường", "khu dân cư tự quản"… Song, theo quy chế và các văn bản hành chính hiện nay không có từ "khu dân cư" mà chỉ đề cập tới phường, tổ dân phố, thôn, làng, xóm... Quyết định mới nhất của UBND TP Hà Nội về Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa cũng chỉ đề cập tới "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" mà không có khu dân cư. Trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng không có cụm từ "khu dân cư". Văn bản hành chính không đề cập nhưng thực tế mô hình khu dân cư vẫn tồn tại. Đây cũng chính là lý do khiến không ít những người tham gia công tác tại địa phương băn khoăn đặt câu hỏi, phải chăng do các địa phương trên không thực hiện theo quy định của TP hay Quyết định số 42 đang xa rời thực tế?

Những vướng mắc trên không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà còn là vấn đề được nhiều địa phương trên cả nước quan tâm. Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú song lại có một vai trò rất quan trọng bởi đây là nơi trực tiếp thực thi các quyết định của chính quyền. Hiện Bộ Nội vụ đang đưa ra lấy ý kiến góp ý cho thông tư hướng dẫn hoạt động của thôn, tổ dân phố. Hy vọng rằng, khi ban hành thông tư mới sẽ giúp Hà Nội và các địa phương giải tỏa được những bất cập trong quản lý mô hình, tổ chức khu dân cư hiện nay. Qua đó, đưa ra được một mô hình dân cư thống nhất, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền và góp phần tăng cường hơn nữa sự gắn kết cộng đồng dân cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm mô hình để tổ chức tốt khu dân cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.