(HNMCT) - Mỗi khi nhắc đến bệnh gây nhiều ca tử vong nhất, nhiều người nghĩ ngay đến ung thư. Tuy nhiên, tim mạch mới chính là căn bệnh âm thầm khiến 200.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, số người trẻ mắc căn bệnh này ngày càng tăng.
Thờ ơ với sức khỏe tim mạch
Theo số liệu điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 30% dân số ở các nước phát triển được hỏi cho rằng ung thư là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất. Nhiều người Việt cũng đồng quan điểm. Tuy nhiên, theo WHO, mỗi năm có gần 19 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn tổng số ca tử vong do 3 loại bệnh không lây nhiễm cộng lại, gồm: Ung thư (hơn 10 triệu người), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD, gần 2 triệu người) và tiểu đường (3,3 triệu người). Trong số bệnh nhân tử vong vì bệnh tim mạch, riêng bệnh động mạch vành có tới 9 triệu người.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch - hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi đó, theo Globocan (2020), mỗi năm Việt Nam có hơn 122.600 ca tử vong do ung thư.
PGS Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, đáng lưu ý là số ca tử vong do bệnh tim mạch chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy bệnh tim mạch gia tăng rất nhanh: Những năm 1980, có khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh huyết áp; đến năm 2009, tỷ lệ này đã là 27%. Mười năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch quốc gia can thiệp khoảng 300 ca bệnh bị bệnh động mạch vành, nhưng riêng năm 2016 đã can thiệp khoảng 3.500 ca.
Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay, hoặc dẫn đến suy tim và tử vong sau đó.
Ba thập niên trước bệnh nhồi máu cơ tim còn hiếm gặp, nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến ở mọi cơ sở y tế. Bên cạnh đó, bệnh tai biến mạch não cũng rất nguy hiểm, để lại nhiều di chứng. Điều làm các chuyên gia y tế lo ngại là bệnh tim mạch đang bị trẻ hóa. Trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng nay có ở bất kỳ lứa tuổi nào. Gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, trong đó có trường hợp mới 28 tuổi. Một điều tra cũng cho thấy, số người bị tăng huyết áp ở tuổi dưới 40 chiếm tới 16,5%. Rất nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 30 - 35 cũng mắc các bệnh tim mạch và không ít người đã tử vong do nhồi máu cơ tim.
Thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng để phòng bệnh
GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch ở Việt Nam là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ... dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và các biến cố tim mạch.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc diễn ra trong thời gian dài khiến nhiều người bị căng thẳng; đó là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim ở nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến số người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dù bệnh nhân tim mạch gây tử vong nhiều và nhanh hơn ung thư nhưng bệnh lý tim mạch có thể phòng được.
“Hiện nay, người dân vẫn chủ quan với bệnh tim mạch và các bệnh liên quan vì không gây ra đau đớn, người mắc bệnh vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường nên không quan tâm đúng mức. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ là điều vô cùng quan trọng để tầm soát bệnh tim mạch. Bệnh tăng huyết áp không chỉ xảy ra ở người già, mà cả ở người trẻ” - Giáo sư Nguyễn Lân Việt nói.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Việt, chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là điều cần thiết. Người dân cần duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch: Không nên hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; không nên ăn mặn; hạn chế các thức ăn nhiều chất béo, tăng cường ăn rau xanh và tập thể dục đều đặn, tránh lo âu căng thẳng thần kinh và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, đồng thời làm một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu... để phát hiện sớm bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.