Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lời giải cho "bài toán nghĩa trang"

Bài, ảnh: Văn Ngọc Thủy| 26/03/2017 07:03

(HNM) - Việc nhiều nghĩa trang phải đóng cửa do hết đất chôn cất hoặc nằm trong khu dân cư là vấn đề bức xúc từ lâu, đòi hỏi có một kế hoạch dài hơi tổ chức nơi an nghỉ cho người đã khuất. Giải


Nghĩa trang Láng Hạ (quận Đống Đa) lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc.


Thiếu quỹ đất cho người chết

Cuối tháng 10-2016, hàng trăm hộ dân phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) đã ký tên vào đơn gửi cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại việc triển khai “Dự án cải tạo nghĩa trang bãi Xém”. Theo những người lớn tuổi sống tại khu vực, khu đất này được người dân trồng hoa màu quanh năm, lại nằm giữa khu dân cư, xung quanh là nhà cửa, trường học và nhà máy nước sạch.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, việc xác định địa điểm quy tập mộ phục vụ công tác GPMB dự án đường nối từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh được UBND thành phố chấp thuận về chủ trương trên cơ sở đánh giá các điều kiện, khả năng xây dựng và mở rộng nghĩa trang quy định tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, phương án mở rộng nghĩa trang do chủ đầu tư đề xuất chưa được các sở, ngành góp ý, khiến người dân thắc mắc. Hiện tại, UBND quận Long Biên đang phối hợp với chủ đầu tư là Công ty CP Khai Sơn tiếp tục triển khai các thủ tục có liên quan để thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Một dự án nghĩa trang khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Năm 2013, Công ty TNHH Thương mại hỗ trợ kiến thiết Miền Núi đề xuất xây dựng trung tâm dịch vụ mang yếu tố văn hóa - tâm linh, lập khu phục vụ cho thuê lưu trữ lọ tro sau hỏa táng… tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân). Tuy nhiên, ngày 16-3-2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản báo cáo thành phố, nêu rõ việc này "chưa phù hợp với quy định tại Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...". Nội dung này đã được UBND thành phố chấp thuận tại Công văn số 2946/VP-QHKT ngày 19-4-2016, khép lại một “dự án tâm linh” gây chú ý đặc biệt của dư luận.

Trong khi việc tìm quỹ đất cho các dự án nghĩa trang mới còn đang gặp khó thì những nghĩa trang cũ cũng gây không ít lo lắng cho người dân, đặc biệt là cư dân các khu đô thị mới. Cuối năm 2011, mỗi mét vuông của dự án Sky City ở số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa) được bán với giá hơn 2.000 USD, nhưng có đến quá nửa căn hộ ban công nhìn thẳng ra nghĩa trang Láng Hạ. Nghĩa trang này cũng lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc, chỉ cách một bức tường cũ nham nhở. Nhiều khu đô thị như Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); Khu đô thị Văn Quán, Dương Nội (quận Hà Đông… nơi những căn hộ tiền tỷ có tầm nhìn thẳng ra... nghĩa trang - không chỉ là nỗi ám ảnh với người yếu bóng vía mà còn là nỗi lo chung về tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

Những bước đi tích cực

Hiện hầu hết các nghĩa trang cũ của Hà Nội đều đã quá tải, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, chưa kể việc gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan thành phố. Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8-4-2014, tới đây nhiều nghĩa trang lớn của thành phố sẽ phải đóng cửa.

Hà Nội hiện có 6 nghĩa trang tập trung là Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển và Sài Đồng với tổng diện tích 104ha. Tuy nhiên, các nghĩa trang lớn như Yên Kỳ 1 và Văn Điển đã hết diện tích chôn cất mới. Thời gian tới, các nghĩa trang khác như Mai Dịch, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Sài Đồng... cũng sẽ bị lấp đầy và tiếp tục đóng cửa. Dự kiến, thành phố cũng sẽ phải di dời hơn 287.000 ngôi mộ trong khu vực phát triển đô thị (chiếm 20% số mộ phải di chuyển).

Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, các nhà đầu tư công viên nghĩa trang đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Khu vực phía Bắc có Lạc Hồng Viên thuộc tỉnh Hòa Bình và Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên giá mỗi phần mộ ở đây lên đến cả chục triệu đồng nên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện lo liệu. Nhiều nhà nghĩ đến chuyện chôn cất ở quê nhưng cũng không phải ai cũng thực hiện được, nhất là quê ở xa. Con số dự báo 345.000 người chết trong toàn thành phố từ năm 2020 đến 2030 một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc phải sắp xếp dành quỹ đất cho nghĩa trang. Theo Quy hoạch đã duyệt, các dự án được ưu tiên thực hiện đến năm 2020 gồm xây mới, mở rộng 10 nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; cải tạo 6 nghĩa trang lớn… Chỉ tính riêng giai đoạn này kinh phí đầu tư cho nơi an nghỉ của người chết đã lên đến 13.000 tỷ đồng.

Bà Đặng Cẩm Thủy, Phó phòng Quy hoạch hạ tầng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, sau khi Quy hoạch được phê duyệt, UBND thành phố nhanh chóng có kế hoạch đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung đồng thời ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân vào ngày 22-7-2014. Đến nay, công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang đã có nhiều chuyển biến tích cực: Trên 52% số xã thành lập bộ phận quản lý nghĩa trang, xác định ranh giới, thống kê hồ sơ quản lý 2.682 nghĩa trang với diện tích khoảng 2.397ha...

Mới đây, ngày 4-1-2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản trình UBND thành phố đề nghị ban hành quyết định thay thế Quy chế trên cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngày 17-2, Sở Xây dựng cũng góp ý cho dự thảo Quy chế, trong đó đề nghị chỉnh sửa một nội dung đang được dư luận quan tâm là: “Từng bước di chuyển các phần mộ riêng lẻ về nghĩa trang tập trung, ngừng hoạt động và đóng cửa các nghĩa trang riêng lẻ…”. Ngày 10-3, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan góp ý hoàn thiện dự thảo, trước ngày 22-3 trình thành phố xem xét.

Rõ ràng, trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, cùng với sự quan tâm sát sao của các cấp ngành thành phố, hy vọng những băn khoăn của người dân Thủ đô về quy hoạch nghĩa trang sẽ sớm được giải tỏa. Đây không chỉ là câu chuyện tín ngưỡng tâm linh quan trọng của người Việt mà thực sự còn là vấn đề bảo đảm cảnh quan, môi trường sống văn minh lâu dài cho thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm lời giải cho "bài toán nghĩa trang"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.