(HNM) - Tổng thống Chile Sebastian Pinera vừa ra tuyên bố rút việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25), dự kiến diễn ra tại thủ đô Santiago.
Trong thông báo của mình, Tổng thống S.Pinera bày tỏ sự hối tiếc về việc phải ra quyết định hủy đăng cai hai hội nghị quan trọng nói trên. Ông cho rằng ở thời điểm hiện tại, đây là một quyết định hợp lý, điều đó sẽ giúp Chính phủ Chile tập trung ổn định trật tự xã hội, trấn an dư luận, bảo đảm an toàn cho người dân.
Quyết định được đưa ra khi các cuộc biểu tình ở Chile đã kéo dài gần 2 tuần, kèm theo đó là những bất ổn xã hội: Bạo loạn, cướp phá các cơ sở kinh doanh, đốt phá nhà ga tàu điện ngầm... Thực tế này buộc Chính phủ Chile phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 7.000 người bị bắt giữ.
Các cuộc bạo loạn cũng khiến doanh nghiệp nước này lỗ khoảng 1,4 tỷ USD. Giao thông công cộng tại Santiago bị thiệt hại khoảng 400 triệu USD. Trong nỗ lực xoa dịu các cuộc biểu tình, Tổng thống S.Pinera đã thay thế 8 lãnh đạo bộ, ngành; đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại Santiago nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Theo các nhà phân tích, Chile rơi vào cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi Chính phủ của Tổng thống S.Pinera quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm. Việc người dân Chile xuống đường biểu tình thực chất là "giọt nước tràn ly" bởi hàng loạt bức xúc lâu nay chưa được giải quyết. Mục đích đấu tranh của người dân là muốn cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
Dù là nước Nam Mỹ đầu tiên gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2010, nhưng đến năm 2018, Chile vẫn nằm ở nhóm các nước có chỉ số bất bình đẳng thu nhập cao nhất OECD (cao hơn 65% so với mức trung bình).
Năm 2019, số liệu của OECD cũng chỉ ra, tỷ lệ người dân ở các đô thị của Chile hài lòng với việc được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng đã giảm mạnh trong vòng 10 năm, từ 43% vào năm 2007 xuống còn 33% vào năm 2017. Trong khi đó, chi phí giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học rất cao. Điều đó cũng lý giải vì sao trong số những người tham gia phong trào biểu tình lần này có đông đảo thanh niên, sinh viên.
Tình hình xã hội phức tạp tại Chile đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Việc công nhân tham gia các cuộc biểu tình khiến hoạt động khai khoáng tại quốc gia xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới bị ngưng trệ. Nếu tính chung cả tháng 10-2019, giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) có mức tăng cao nhất kể từ tháng 2-2019. Giá 1 tấn đồng trên LME có lúc chạm mốc 5.912 USD.
Việc Chile hủy đăng cai APEC cũng khiến giới đầu tư lo ngại vì những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể hạ nhiệt. Bởi lẽ, theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngay tại sự kiện kinh tế quan trọng này. Trước việc Chile hủy đăng cai APEC, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn tỏ ra lạc quan và cho biết đang tìm kiếm địa điểm thay thế phù hợp để có thể tiến tới ký kết các thỏa thuận
Các nhà phân tích cho rằng, thách thức mà Chile đang phải đối mặt có thể không nghiêm trọng như ở Venezuela. Với nền tảng chính trị và kinh tế ổn định, chính phủ của Tổng thống S.Pinera hoàn toàn có thể hóa giải nỗi bức xúc của người dân trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, điều này cần được tính toán và thực hiện một cách khôn khéo, bài bản bởi nếu không những cuộc biểu tình có thể trở thành “đòn chí mạng” đối với nền kinh tế Chile.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.