Hà Nội kết nối

Tìm hướng đi phù hợp để phát triển thị trường tín chỉ carbon

Minh Tuấn 12/06/2024 - 16:08

Việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ hoạt động từ năm 2028.

cb(1).jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: H.Phạm.

Ngày 12-6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức toạ đàm: “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý”, nhằm đem lại góc nhìn đa chiều về thị trường tín chỉ carbon.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu do hoạt động phát thải nhà kính của con người đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường. Ở Việt Nam, biểu hiện rõ nhất là sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi thời tiết, việc xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính cũng như cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên xây dựng chính sách thị trường carbon trong nước, cho phép các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon sẽ bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028.

Tại tọa đàm, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch. Đặc biệt, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế.

cb2.jpg
Trưởng phòng Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) Cao Tung Sơn phát biểu. Ảnh: H.Phạm.

Còn TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có quy định về quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon.

Về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó, đề xuất các quy định đối với dự án tín chỉ carbon nói chung cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon. "Hiện nay, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP chưa quy định trách nhiệm cơ quan quản lý thực hiện các hoạt động này”, TS Võ Trung Tín nêu.

Về phía cơ quan chức năng, trả lời câu hỏi về quy định đối với việc doanh nghiệp mua tín chỉ carbon, Trưởng phòng Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) Cao Tung Sơn, cho biết: Các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải vượt quá hạn ngạch. Tuy nhiên, việc mua bán phải tuân thủ các quy định về minh bạch và công khai, nhằm tránh tình trạng lợi dụng mua bán tín chỉ để tiếp tục xả thải không kiểm soát.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã có những ý kiến xác đáng, giải đáp được nhiều vấn đề, như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon; những mặt tích cực, những thiếu sót, bất cập, vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam; người dân sẽ được lợi gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng đi phù hợp để phát triển thị trường tín chỉ carbon

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.