(HNMO) - Sáng 8-12, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Chăn nuôi Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi gia súc”, tại Hà Nội.
TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nhận định, trong những năm qua, Hà Nội là một trong những thành phố đi đầu trong việc chuyển đối cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng đã tăng nhanh về quy mô, năng suất, chất lượng và ngày càng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của ngành chăn nuôi đã kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất thải chăn nuôi không được xử lý hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư. Vì thế, đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau để vừa giảm thiểu những tác động từ chất thải chăn nuôi đến môi trường vừa sản xuất, chế biến chúng thành nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng an toàn, bền vững.
TS Lê Văn Tri, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Sinh học và môi trường đưa ra 6 giải pháp để xử lý chất thải chăn nuôi, gồm: Quy trình sản xuất chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp BIO-MIX trong chăn nuôi tập trung; quy trình sản xuất chế phẩm hỗn hợp vi sinh vật lên men nguyên liệu hữu cơ; quy trình sản xuất đệm lót sinh học từ các nguồn hữu cơ (rơm rạ, mùn cưa, than sinh học, bã thải sau chưng cất tinh dầu...) trong chăn nuôi tập trung; quy trình sử dụng đệm lót sinh học kết hợp với chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp BIO-MIX để xử lý chuồng trại tại các trang trại chăn nuôi tập trung; quy trình xử lý phân thải chăn nuôi bằng vật liệu hữu cơ và chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp BIO-MIX để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ hỗn hợp đệm lót sinh học và phân thải chăn nuôi phù hợp cho từng loại cây trồng.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đưa ra 5 giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi gia súc gồm: Thúc đẩy nhanh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch; khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học; ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc; tuyên truyền, phổ biến về môi trường chăn nuôi; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Chính phủ, thành phố bảo đảm an toàn dịch bệnh và môi trường chăn nuôi.
Kết luận hội thảo, ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội ghi nhận các ý kiến trình bày tại hội thảo, mong muốn kết quả của hội thảo sẽ lan tỏa đến các chi hội chăn nuôi trên địa bàn thành phố để các trang trại, doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi có thể cải tiến, ứng dụng hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi an toàn và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.