Công nghiệp văn hóa

Tìm giải pháp đưa làng nghề vươn tầm thế giới

Nguyễn Mai 10/11/2023 - 16:20

Sáng 10-11, Bộ NN-PTNT và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát triển làng nghề, nhằm tìm giải pháp đưa làng nghề vươn ra thế giới.

hoi-cho-6(1).jpeg
Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, trình diễn kỹ thuật kéo tơ từ thân cây sen để lấy tơ dệt vải.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ: Thủ đô Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hà Nội hiện có 303 nghệ nhân, bao gồm 13 Nghệ nhân nhân dân, 42 Nghệ nhân ưu tú... Đây là những “đầu tàu” gìn giữ bản sắc, văn hóa truyền thống của các làng nghề.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Đức Thịnh thông tin: Hiện, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận. Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

“Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Lê Đức Thịnh khẳng định.

hoi-thao-1-.jpeg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề của các địa phương và các nước trên thế giới, việc hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ thiết kế, trưng bày sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ; xác định xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Trần Thị Thu Oanh, Trưởng tư vấn kỹ thuật Tổ chức Cứu trợ/ Phát triển Quốc tế (FIDR) Văn phòng tại Việt Nam trình bày kinh nghiệm làm việc với cộng đồng dân tộc thiểu số về gìn giữ nghề truyền thống, thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn nghề truyền thống.

Giáo sư Claus, Trường Thiết kế, Đại học Lund, Thụy Điển cũng chia sẻ những kinh nghiệm đào tạo thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Đại học Lund. Giám đốc Thương mại điện tử Central Retail trình bày về kết nối làng nghề và người tiêu dùng.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Phát triển làng nghề không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm mà làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó rất cần mở ra không gian mới cho làng nghề. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để người dân trong làng, người trong nghề có thể kết nối với thế giới, vượt ra khỏi khuôn mẫu vốn có; đồng thời, mỗi nghệ nhân, người thợ và cơ quan quản lý Nhà nước cần liên tục đặt ra mục tiêu cao hơn, xa hơn, đưa sản phẩm của làng nghề Việt Nam vươn tầm thế giới.

hoi-thao-1.jpeg
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, làng nghề, lan toả nét đẹp, giá trị tích cực trong cộng đồng; cùng bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.

Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nêu: Với Hà Nội, ngoài việc phát triển sản phẩm kết nối với các quốc gia và vùng lãnh thổ, thành phố còn phấn đấu trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên thế giới; là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, quốc tế.

Thời gian tới, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị của Trung ương, tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức cho những làng nghề truyền thống tập trung đổi mới, sáng tạo hình thức mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa gìn giữ bản sắc vừa có đột phá phù hợp xu thế hội nhập, khẳng định vị thế sản phẩm làng nghề Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp đưa làng nghề vươn tầm thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.