(HNM) - Bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng lâu nay luôn là “điểm nghẽn” của nhiều địa phương, do một số quy định chưa phù hợp với thực tế, nhất là về giá đền bù đất và bố trí tái định cư. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đã đề xuất các phương án xử lý những vấn đề này.
Nhiều điểm vướng
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Long An, Đồng Nai, Bình Dương đang khẩn trương triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 3. Tuy nhiên, việc các địa phương áp các mức giá khác nhau cho bồi thường cùng một loại đất liền kề đang gây khó cho công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Trực, thành phố dự kiến đền bù đất trồng cây lâu năm từ 3,2 triệu đồng/m2 - 8,5 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 - 6,5 triệu đồng/m2... Nhưng cùng loại đất này, tỉnh Bình Dương có thể tính theo công thức như đã từng áp dụng cho dự án Đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đó là lấy giá đất ở trừ đi tiền sử dụng đất để ra đơn giá bồi thường, nên chắc chắn sẽ cao hơn đơn giá của thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, sẽ xảy ra tình huống hai hộ dân ở 2 địa phương có đất cạnh nhau lại được đền bù với các mức giá khác nhau.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu An Tứ, việc xác định giá đền bù các diện tích đất xen kẹt (đất vườn, ao liền kề với đất ở; đất vườn, ao xen kẹt trong khu dân cư; đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư…) cũng gây khó khi xác định đơn giá giải phóng mặt bằng theo hướng “sát với giá thị trường”, bởi không thể xác định được đây loại đất gì để áp đơn giá. Trong khi loại đất này xuất hiện rất nhiều ở các vùng đang đô thị hóa hay đang phát triển công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ.
Một số quy định pháp lý hiện hành khác cũng đang là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử, thành phố Hồ Chí Minh có đến 90% diện tích đất thu hồi cho dự án đường Vành đai 3 không phải đất ở. Quy định pháp luật hiện hành không quy định bố trí tái định cư cho các diện tích đất này, nhưng trên thực tế, đang có 740 hộ dân bị ảnh hưởng chỗ ở khi thu hồi đất. “Thành phố cần được Quốc hội cho phép để có thể thí điểm triển khai đền bù đất ở cho bà con bị thu hồi đất nông nghiệp”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Trực nói.
Đề xuất các giải pháp
Bà Phan Thị Hương Giang, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thành phố đang triển khai một số dự án theo hướng tách riêng phần giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tuy nhiên, việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng do cơ quan nhà nước quyết định, nhưng lại tính chung vào tổng mức đầu tư dự án. Trong khi đó, chủ đầu tư lại chưa có cơ chế tham gia quyết định mức giá này. “Có thể chủ đầu tư chấp thuận mức đền bù khác để sớm có mặt bằng sạch. Vì vậy, họ cần được tham gia vào khâu quyết định giá đền bù”, bà Phan Thị Hương Giang nhấn mạnh.
Về hướng giải quyết giá đền bù đất xen kẹt, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, đã đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét cơ chế áp dụng đơn giá bằng 30% đơn giá đền bù đất ở cho các hộ dân mà không phân biệt đất nông nghiệp thuần hay đất nông nghiệp, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Về việc thống nhất đơn giá đền bù giữa các địa phương với các thửa đất liền kề nhau, từ tháng 7-2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có tuyến Vành đai 3 đi qua đã ký kết quy chế phối hợp áp dụng chung đơn giá đền bù cho thu hồi mặt bằng phục vụ dự án. Là địa phương có nhiều dự án giáp ranh với tỉnh Bình Dương, theo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng, mô hình này cần được áp dụng với tất cả các dự án tương tự, để tạo đồng thuận trong người dân các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, chính quyền thành phố đã rút ra 4 bài học cơ bản trong đền bù, giải phóng mặt bằng với nhiều dự án trên địa bàn. Mới đây nhất, vào đầu tháng 9-2022, 100% hộ dân trong vùng dự án đồng thuận giải tỏa để xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) sau nhiều năm dự án bị đình trệ vì không có mặt bằng thi công.
“Bài học thứ nhất là cần có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy trong chỉ đạo tuyên truyền, vận động để người dân đồng cảm, chia sẻ lợi ích. Thứ hai, chính quyền địa phương cần căn cứ tình hình thực tế địa phương mình để nhạy bén, nhanh chóng tham mưu cấp trên hướng giải quyết phù hợp. Thứ ba, cần vận dụng linh hoạt chính sách hiện hành, trong đó mạnh dạn áp dụng một số chính sách đặc thù. Thứ tư là cần có cơ chế áp giá đền bù sát giá thị trường. Thành phố cần được trao quyền xác định giá đất phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất...”, ông Võ Văn Hoan nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.