(HNM) - Vài năm trước, sự xâm nhập của mạng xã hội (MXH) có nguồn gốc từ nước ngoài đã
Chuyện của go.vn
Ngày 19-5-2010, một MXH đầu tiên tại Việt Nam và ASEAN có thể hội tụ số trên cả ba thiết bị đầu cuối là máy tính, ti vi và điện thoại di động xuất hiện. Đó là Mạng Việt Nam (go.vn) do Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC phát triển. Đây là dự án “hàng đặt” từ Nhà nước, được Bộ Thông tin và Truyền thông hậu thuẫn với mục tiêu trở thành mạng số 1 về giáo dục - giải trí - giao tiếp tại Việt Nam, có khả năng phục vụ đồng thời 4 triệu người sử dụng ở cùng một thời điểm, chiếm 40-50% lưu lượng truy cập MXH vào năm 2015.
Go.vn, một trong những mạng xã hội đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
Từ đó đến nay, go.vn phát triển vượt bậc và đạt hơn 12 triệu người sử dụng vào ngày 20-2-2012. Riêng cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE) - một phân hệ của Mạng Việt Nam - đã thu hút gần 5 triệu học sinh, sinh viên ở hơn 33.000 trường trên cả nước tham gia. Con số này đặt dấu mốc quan trọng đối với go.vn trong bối cảnh nở rộ các MXH đến từ các nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Ông Phan Anh Tuấn (Giám đốc Mạng Việt Nam) chia sẻ, trong khi các MXH khác nhấn mạnh vào khả năng kết nối thì go.vn chú trọng phát triển giáo dục trực tuyến nhằm đổi mới cách thức học tập, tạo cơ hội cho người học có thể tự học, nghiên cứu và trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, việc hiểu thói quen và mong muốn của người sử dụng MXH như một công cụ để giải trí và giao tiếp với bạn bè, Mạng Việt Nam go.vn cung cấp đa dạng các phân hệ tin tức, âm nhạc, game, trang cá nhân mygo..., là cơ sở để go.vn có được lượng thành viên bền vững.
Với sự phát triển nhanh chóng, Mạng Việt Nam không chỉ có chỗ đứng trong nước mà còn được doanh nghiệp kinh doanh nội dung số nước ngoài quan tâm. Mới đây, một đối tác Hàn Quốc đã tỏ ý muốn mua lại nền tảng của go.vn để phát triển tại thị trường nước này. Đây là lần đầu tiên một MXH Việt Nam nhận được sự quan tâm của đối tác quốc tế. Điều đáng lưu ý Hàn Quốc là một trong những nước phát triển nhất trên thế giới về MXH.
… và bài toán xuất khẩu
Theo ông Phan Anh Tuấn, sở dĩ phía Hàn Quốc chọn Mạng Việt Nam trước hết là do có thiết kế đẹp, hướng đến tính giải trí một cách rõ ràng, phù hợp với môi trường đòi hỏi hình ảnh đồ họa chất lượng cao ở Hàn Quốc. Một số phân hệ của go.vn, điển hình là goPlay là hệ thống được thiết kế tương đối tách biệt, nên có thể tích hợp vào bất kỳ MXH hay công cụ thanh toán nào, điều mà các MXH khác không có được. Đặc biệt, go.vn hội tụ nhiều tính năng phù hợp với các doanh nghiệp mới bắt đầu phát triển trong lĩnh vực nội dung số (kinh doanh web game). Cụ thể: người dùng có nhiều công cụ trao đổi hơn, dễ dàng kết bạn với nhau hơn; các trò chơi tạo được sự cạnh tranh ngầm giữa người chơi, đòi hỏi thời gian “lên mạng” (online) liên tục. Các tính năng của Mạng Việt Nam liên tục được chỉnh sửa, cập nhật để phù hợp và phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng. Ngoài ra, go.vn sở hữu nền tảng thanh toán vật phẩm ảo tốt nhất tại Việt Nam hiện nay.
Điều đáng lưu ý là câu chuyện của Mạng Việt Nam ở trên chỉ là hãn hữu trong bài toán phát triển MXH nói riêng và ngành công nghiệp nội dung số của nước ta hiện nay. “Đa số các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam vẫn chỉ chú trọng đầu tư thị trường trong nước mà quên rằng thế giới internet là không có giới hạn, cộng đồng người dùng Việt có mặt khắp nơi trên thế giới và có quan hệ mật thiết với cộng đồng quốc tế. Vì vậy, khi các doanh nghiệp chủ yếu bó hẹp ở thị trường trong nước mà không quan tâm đến việc đầu tư tại thị trường nước ngoài, khiến sản phẩm tạo ra không có khả năng hòa nhập, nhạy bén nhanh như các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phải hiểu tâm lý cộng đồng và chú trọng đến thị trường nước ngoài” - ông Phan Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài “rào cản” tư duy tầm chiến lược, một vấn đề lớn khác với ngành nội dung số Việt Nam là khung pháp lý và các chính sách chưa bắt kịp với sự phát triển. Các chính sách quản lý nội dung trên internet vẫn rất thoáng với các công ty quốc tế do không thể “nắm tóc”, nhưng lại ngặt nghèo với các đơn vị trong nước dù tiềm lực công nghệ, tài chính, nhân lực của phía nước ngoài luôn vượt trội. Đó là chưa kể doanh nghiệp trong nước phải xin phép, chịu sự quản lý nội dung chặt chẽ từ nhiều cơ quan.
Với sự quan tâm của doanh nghiệp Hàn Quốc với go.vn, bài toán xuất khẩu sản phẩm nội dung số của Việt Nam phần nào rõ ràng hơn. Không chỉ có vậy, nó còn mở rộng tầm hoạt động của Mạng Việt Nam không chỉ bó hẹp ở trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.