Theo Sputnik, các nhà thiên văn học mới đây đã phát hiện một tiểu hành tinh cỡ nhỏ có chiều dài bằng chiếc máy bay chở khách bay qua Trái đất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CC0) |
Điều đáng nói là các nhà khoa học chỉ phát hiện ra sự xuất hiện của tiểu hành tinh trên sau 3 ngày vụ việc xảy ra.
Theo đó, tiểu hành tinh có tên 2017 001 dài khoảng 78m (bằng với chiếc máy bay Boeing 747) và dày khoảng 24m.
Tiểu hành tinh trên không được phát hiện sớm là do nó có bề mặt tối, không phản chiếu nên không thể quan sát bằng kính thiên văn.
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu xảy ra va chạm, tiểu hành tinh trên có thể gây ra vụ nổ lớn và làm hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Trong một báo cáo trước đó của mình, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, 90% vật thể gần Trái đất có chiều dài lớn hơn 1km và các vật thể này có thể khiến Trái đất bị diệt vong nếu xảy ra va chạm.
Vụ việc này khiến nhiều người liên tưởng tới vụ nổ Tunguska vào ngày 30-6-1908. Vụ nổ Tunguska khiến cho 80 triệu cây cối trên một phạm vi rộng 2.150 km2 ở Siberia bị đổ rạp. Năng lượng tạo ra từ vụ nổ tương đương 10 - 20 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh hơn gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.