Vào học từ lúc 11 tuổi (với nam) và 13 tuổi (với nữ) – đúng thời điểm bước vào tuổi dậy thì - cuộc sống của các sinh viên trường xiếc có nhiều điểm khá thú vị, xen lẫn bí mật...
Nữ sinh thường phải “xin” thầy
Không giống như nữ sinh trường múa (thường có quy định rất nghiêm ngặt về chuyện ăn mặc trong lúc tập luyện, thường là phải mặc quần áo bó sát cơ thể), các nữ sinh trường xiếc được cái “lợi thế” là có thể mặc một bộ đồng phục tập của nhà trường và bộ đồng phục này khá rộng rãi, thoải mái.
Bạn Bùi Thị Hương, sinh viên trường xiếc (mới tốt nghiệp) cho biết do đặc thù của xiếc là vận động mạnh với cường độ cao, liên tục, phải thực hiện nhiều động tác phức tạp nên quy định về trang phục được “nới lỏng”.
Một nữ sinh trong buổi trung tuyển vào trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam hồi tháng 7/2011 (Ảnh: Dân Trí)
So với nữ sinh trường múa, nữ sinh trường xiếc thường không quá chú ý đến chuyện ăn mặc.
“Tập múa cũng rất mệt, có thể không hơn xiếc là bao, nhưng do các bạn trường múa đa số có ngoại hình và gương mặt đẹp nên các bạn thường chỉn chu trong ăn mặc để mọi người thấy được điều đó. Còn với nữ sinh trường xiếc, quả thực việc tập luyện đã quá vất vả, không ai còn nghĩ gì đến chuyện mình ăn mặc ra sao nữa”, Hương nói.
Nữ sinh trường xiếc cũng không quá gắt gao chuyện giảm cân như nữ sinh trường múa.
Nhưng với bất kỳ một sinh viên nào muốn theo đuổi sự nghiệp một cách nghiêm túc, lâu dài, họ đều có ý thức tự giác gìn giữ một lối sống lành mạnh và tập luyện thường xuyên để giữ vóc dáng, đồng thời rèn luyện thể lực, cơ bắp.
Hạn chếc về sức vóc so với nhưng các nữ sinh hoặc nữ nghệ sĩ xiếc vẫn phải tập luyện và biểu diễn các động tác trên cao rất phức tạp, nguy hiểm (Ảnh: N.Anh)
Tuy có những điểm khác nhau nhưng giữa những sinh viên của hai ngành nghệ thuật thiên về biểu diễn và nghệ thuật cơ thể này thì họ có những điểm chung khá là tế nhị.
Hương cho biết vì phải vận động mạnh, cường độ tập luyện cao nên cứ “đến ngày” là các nữ sinh đều gặp khó khăn do sức khỏe và tâm lý không được tốt. Nếu giảng viên là nữ thì mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì.
Nhưng nếu giảng viên là nam thì cũng là chuyện “tế nhị”, tuy nhiên không phải không có cách giải quyết.
Trên thực tế, có nhiều thầy giáo lâu năm dạy học sinh nhiều thế hệ rồi nên rất nhạy cảm, chỉ cần quan sát là biết và chủ động nói với học trò là “em có thể nghỉ một ngày”.
“Còn có những thầy khác không đả động đến, có thể do thầy cũng biết nhưng thầy ngại, thì bọn em phải chủ động xin thầy. Chuyện này là thường xuyên và với sinh viên vào học đã lâu thì nó rất là bình thường, chẳng có gì căng thẳng như lần đầu”, Hương nói.
Thông thường, mỗi nữ sinh được nghỉ 1 ngày vào những giai đoạn “nhạy cảm” này. Bởi không thể nghỉ liền 4-5 ngày, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập.
Còn một “bí mật nho nhỏ” nữa mà không phải nữ sinh nào cũng dám thổ lộ. Cũng như nữ sinh trường múa, nữ sinh trường xiếc phải thực hiện các động tác khó, phức tạp như xoạc ngang (hai chân thật căng, thẳng) nên nhiều bạn nữ “không còn con gái” dù chưa lần nào quan hệ với bạn trai.
Trơ lỳ giới tính
Rất nhiều người đã thắc mắc về chuyện tình cảm giữa các sinh viên trường xiếc với nhau, bởi trong khi tập các tiết mục, sinh viên trường xiếc thường phải tập chung cả nam lẫn nữ và họ thường có những động tác khá thân mật, gần gũi (ví dụ nữ có thể ngồi trên cổ nam, đứng trên vai, hoặc được nâng đỡ trong các động tác kết hợp, vv…).
Sự đụng chạm này nảy sinh trong bối cảnh cả hai phía đều bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành nên rất dễ dẫn đến chuyện nảy sinh tình cảm.
Thậm chí nhiều người “ngoại đạo” còn cho rằng nếu cứ tập luyện với nhau suốt 5 năm như thế, các sinh viên sẽ bị trơ lỳ giới tính.
“Trong lớp em cũng có những cặp đôi yêu nhau, nhưng thực ra là không nhiều. Cũng như các bạn múa, việc gặp gỡ và tiếp xúc quá thường xuyên khiến chúng em dần cảm thấy bình thường với những va chạm thể xác như vậy.
Có thể nói sinh viên xiếc chỉ trơ lỳ giới tính với bạn diễn thôi, còn với người khác giới bên ngoài thì mọi chuyện vẫn hoàn toàn bình thường”, một nữ sinh năm 3 trường trung cấp xiếc cho biết.
Trong khi đó, nam sinh trường xiếc cũng có những “bí mật” khá thú vị.
Một nam sinh đang theo học tại trường Trung cấp Xiếc và tạp kỹ Việt Nam (đề nghị giấu tên) cho biết: “Nam sinh học xiếc thì thường là “man” hơn so với nam sinh học múa. Nhưng vì hầu hết đều vào học ở độ tuổi bắt đầu lớn nên có nhiều người bị ảnh hưởng, hoặc bị lôi kéo vào những thử nghiệm giới tính rồi trở thành gay lúc nào không hay”.
Theo nam sinh này, nhà trường hiện quản lý sinh viên nội trú khá chặt chẽ (chỉ trừ những trường hợp có người thân có hộ khẩu tại Hà Nội mới được ở ngoài) nhưng điều đó không ngăn cản được những lựa chọn trong đời sống riêng tư của các sinh viên.
Mặt khác, quá trình học kéo dài tới 5 năm cũng là một trong những điều kiện để hiện tượng này xuất hiện ngày càng nhiều.
Sở dĩ các nam sinh trường xiếc có xu hướng trở thành gay nhiều hơn các ngành nghề khác là bởi họ sống trong môi trường nghệ thuật với nhiều ngành nghề khác nhau – nơi có nhiều đối tượng là gay (Trước đây khi làm lọat bài về các sinh viên trường múa, cả giảng viên lẫn sinh viên đều đồng tình cho rằng tính chất nghề nghiệp (biểu diễn với những động tác mềm dẻo) đã ảnh hưởng tương đối lớn tới giới tính của các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nam).
Tuy nhiên, nam sinh này bảo rằng, gay giờ chẳng còn là “đặc sản” của sinh viên các trường nghệ thuật, bởi ngay cả học sinh THPT hay các trường ĐH ở Hà Nội, TPHCM cũng rất nhiều gay!
"Khổ luyện" Nghệ sĩ xiếc làm được những điều mà người thường không làm được. Vì thế, chuyện tập luyện trong trường xiếc thường được gắn với hai từ “khổ luyện”, cả về tinh thần lẫn thể xác. Mỗi sinh viên muốn theo đuổi và hoàn thành được 5 năm học là cả một sự cố gắng rất lớn. Các em thường được tiếp xúc dần dần với bộ môn nghệ thuật này, từ dễ đến khó, từ cơ bản đến chuyên ngành để tránh bị sốc. Nhiều người học xong ra nghề rồi cũng bỏ dở sau một thời gian ngắn vì không chịu được áp lực và vì tthu nhập quá thấp. Như lớp của NSƯT Trần Mạnh Cường (Phó đoàn xiếc 2, Liên đoàn xiếc Việt Nam) hiện chỉ còn 1-2 người theo nghề, còn lại đều đã “đá” sang lĩnh vực khác. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.