Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiết kiệm năng lượng - nhu cầu cấp thiết

Thanh Mai| 24/08/2013 07:23

(HNM) - Việt Nam đang có thứ hạng cao trên thế giới về chỉ số tăng trưởng bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tiết kiệm là bài toán về hiệu quả sản xuất

Đứng trước thực trạng đó, việc tiết kiệm hay sử dụng năng lượng có hiệu quả cần được các doanh nghiệp (DN), ngành kinh tế, các nhà quản trị, chuyên gia nhìn nhận nghiêm túc. DN sản xuất và dịch vụ sử dụng nhiều năng lượng. Bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất cũ, vào thiết bị máy móc tiêu tốn nhiều năng lượng lãng phí… các DN đã tìm thấy lời giải và tính hiệu quả trong bài toán tiết kiệm. Trong thực tế, không phải trường hợp nào cũng chứng tỏ hiệu quả của giải pháp đưa ra. Cần cân nhắc việc tích hợp giải pháp để giảm thiểu chi phí trong sản xuất hay tính đến bài toán thay thế dây chuyền công nghệ mới, thiết bị mới TKNL.

Sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện (compact) tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hải Linh



Tòa nhà Harec Building của Công ty cổ phần Harec Đầu tư và thương mại, đi vào hoạt động năm 2006 với quy mô 15 tầng theo bố cục hình hộp chữ nhật, được xây dựng trên khuôn viên rộng 900m² với tổng diện tích sàn sử dụng 10.000m², trong đó diện tích sử dụng điều hòa không khí là 8.000m² chiếm 80% tổng diện tích sàn. Chủ đầu tư đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhằm quản lý năng lượng có hiệu quả với hàng loạt giải pháp về quản lý và kỹ thuật. Theo đó quản lý chặt chẽ hệ thống điều hòa không khí và thông gió: Sử dụng hệ điều hòa trung tâm, sử dụng hệ thống xử lý nước trước khi đi vào hoạt động, sử dụng điều khiển công suất động cơ thích ứng theo nhu cầu của tải, thực hiện bảo dưỡng và vận hành theo quy định đề ra, lắp đặt các bộ điều khiển nhiệt động điều hòa tại từng khu vực bộ phận. Các tủ điện điều khiển các hệ thống được tập trung tại phòng kỹ thuật; giám sát công tơ điện đo đếm tại các bộ phận, khu vực cho thuê... Tủ điện được lắp tụ bù cho toàn bộ tòa nhà nâng cao chất lượng điện khi sử dụng. Hệ thống chiếu sáng thay thế bằng bóng đèn tiết kiệm và tiết giảm chiếu sáng tại nhiều vị trí sử dụng song vẫn bảo đảm nhu cầu, chất lượng chiếu sáng. Bên cạnh đó là giải pháp lắp đặt toàn bộ cửa kính cách nhiệt và rèm che... Lắp đặt đồng hồ phụ ở từng tầng từng khu vực, lập sổ theo dõi điện tiêu thụ hằng ngày nhằm khống chế chặt chẽ điện tiêu thụ; tận dụng ánh sáng tự nhiên và gió tươi; lắp đặt các đồng hồ hẹn giờ cho thiết bị chiếu sáng, quạt hút, quạt cung cấp gió; kiểm soát chặt chẽ chế độ cài đặt nhiệt độ của hệ thống điều hòa không khí trung tâm tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời theo từng giờ trong ngày; thiết lập và áp dụng quy trình vận hành thiết bị giặt là vào giờ thấp điểm... Với nhiều giải pháp đồng bộ, năng lượng tiết kiệm được hàng năm khoảng 14% so với những năm trước.

Rào cản... từ chính mình

Theo khảo sát tỷ lệ năng lượng tiêu thụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp của khối DN ở Hà Nội chiếm 70% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn thành phố. Cho nên, nếu chỉ cần 30% DN ứng dụng giải pháp TKNL, thì lượng điện nói riêng và năng lượng nói chung tiết kiệm được rất lớn.

Từ ngày 25-3 đến 5-4-2013, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Sở Công thương (ECC HANOI) và Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) phối hợp kiểm tra 40 DN trọng điểm tại 10 quận, huyện để đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng và việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả cho thấy, hầu hết văn phòng, nhà xưởng mới chỉ dừng lại ở giải pháp sử dụng bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện và đèn compact, thay thế cửa gỗ bằng cửa kính tận dụng ánh sáng tự nhiên… Một số DN đã có cán bộ chuyên trách về quản lý hoặc có kinh nghiệm về quản lý năng lượng. Tuy nhiên, việc kiểm toán năng lượng còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên nhìn chung, năng lực của cán bộ chưa thể đáp ứng được việc xây dựng chiến lược TKNL bài bản cho DN.

TKNL là tiết kiệm tiền, vì sao nhiều DN chưa "mặn mà"? Thực tế cho thấy, rào cản khiến DN chưa quan tâm đến ứng dụng giải pháp TKNL. Bản thân lãnh đạo DN chưa hiểu hết được lợi ích to lớn của TKNL; nhiều DN còn cho rằng, lượng điện năng tiết kiệm được không đáng kể, chưa nói đến việc đang hoạt động ổn định mà phải thay đổi thói quen, quy trình, ca kíp, giờ làm việc, ảnh hưởng đến sản xuất. Không ít DN còn e ngại khi ứng dụng giải pháp TKNL sẽ phải "khai báo" với đơn vị kiểm toán năng lượng về quy trình sản xuất, kỹ thuật công nghệ nhiên liệu...

Hà Nội là địa phương có tiềm năng TKNL rất lớn. Nhưng có lẽ do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên chưa có nhiều DN hưởng ứng. Vì vậy, cần có một thể chế về vấn đề TKNL với những đề án cụ thể, từ đó lập cơ sở dữ liệu theo ngành và triển khai xuống các DN như một quy định. Đối với chương trình TKNL trong hoạt động sản xuất công nghiệp, khi thực hiện cần có sự cam kết giữa ba bên: Cơ quan quản lý, nhà cung cấp và DN để vừa bảo đảm được mục tiêu TKNL chung, vừa bảo đảm cho sự tin cậy từ phía DN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm năng lượng - nhu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.