Góc nhìn

Tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục

Đình Hiệp 22/12/2023 - 06:16

Việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức (ngày 26-2-1998) đến nay. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp tại nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.

Với số lượng viên chức đăng ký lên tới trên 1,8 triệu người/năm, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hằng năm gây tốn kém kinh phí. Trên thực tế, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp vẫn chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập cho người lao động. Không chỉ vậy, tiêu chuẩn, điều kiện dự thi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp.

Trong khi đó, nhiều chức danh nghề nghiệp không xây dựng được chương trình bồi dưỡng, nên không tổ chức được kỳ thi thăng hạng cho viên chức. Viên chức tập trung ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ - những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tổ chức thi, do vậy rất khó tiến hành tổ chức thi. Đáng lưu ý, có những chức danh nghề nghiệp còn chưa tổ chức thi lần nào như kiến trúc sư, đo đạc, địa chính, đạo diễn…

Để khắc phục những bất cập trên, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7-12-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức được ban hành thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (giữ quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định quy định “trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo đề án đã được phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này, nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại nghị định này”.

Quyết định quan trọng trên nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế. Bởi rõ ràng việc bỏ thi thăng hạng viên chức sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội, giảm thủ tục hành chính. Ngay sau đó, Bộ Nội vụ - cơ quan tham mưu của Chính phủ trong việc ban hành nghị định cũng đã có những hướng dẫn cụ thể để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Để chủ trương này đi vào cuộc sống, trước hết đối với các cơ quan, đơn vị lựa chọn người tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm và nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, hoàn thiện xác định vị trí việc làm, xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí để làm căn cứ cho hoạt động xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Về phía người được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký theo quy định của pháp luật.

Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giúp người lao động thêm động lực làm việc, gắn bó lâu dài với nghề nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện để bảo đảm chọn đúng người, đủ tiêu chuẩn.

Và điều quan trọng là mọi quy trình mới phải bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.