Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác trong giai đoạn cách mạng mới

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 10/06/2019 06:02

(HNM) - 50 năm thực hiện bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức Đảng ôn lại lời căn dặn của Người, tự soi lại mình, tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác để tăng thêm ý chí và sức mạnh, tiếp tục đưa đất nước phát triển như Bác hằng mong muốn.

Nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Trong ảnh: Một lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Bá Hoạt


Trước hết, tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần 90 năm qua. Vì vậy, tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch. Đảng có thực sự mạnh thì mới tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng thành công trong giai đoạn mới.

Thực hiện các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là việc làm vừa cơ bản, cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài.

Cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; lấy “chống” làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá trên nguyên tắc giữ vững sự ổn định chính trị để phát triển đất nước vừa đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm; ngăn chặn, đấu tranh, xử lý triệt để, đúng pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, bè phái, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng…

Vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, vừa phát huy cao độ vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân ngay từ khi xây dựng và trong quá trình thực thi chính sách, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa khi mới có dấu hiệu vi phạm.

Trước mắt cần tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm những vụ tham nhũng phức tạp, các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, nhất là các vi phạm trong công tác cán bộ đang gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân. Đặc biệt, cần công khai các vụ việc phức tạp đã xử lý như Lênin đã dạy: “Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta”.

Thứ hai, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn xây dựng chính đảng Mác xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước, nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, có nhiều thách thức hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì mọi cán bộ, đảng viên càng cần phải nêu gương, đi đầu trong việc chống tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên, thực hiện liêm, chính trong Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu Đảng ta không thực sự vững vàng về chính trị tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức lối sống; không chặt chẽ về tổ chức bộ máy; không được nhân dân đồng tình ủng hộ Đảng ta thì không thể đứng vững và đủ sức đưa đất nước đi lên”.

Do vậy, cùng với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về trách nhiệm nêu gương, như: Quy định số 101-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI), Quy định số 55-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII), đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên là tỏ rõ sự biết ơn Bác, tự hào và nguyện làm theo Bác. Nêu gương về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng, về bản lĩnh, trách nhiệm, niềm tin. Nêu gương phải thực chất, tránh hình thức, cố tạo ra hình ảnh, phải thực sự chân thực trong công việc, cuộc sống của mỗi người lãnh đạo, bình dị, giản dị như cuộc đời của Bác.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Trung ương hằng năm tổ chức giao lưu về chủ đề: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, đã có nhiều tấm gương trên nhiều lĩnh vực học tập và làm theo Bác lan tỏa trong cuộc sống. Đó chính là những “tấm gương sống” gắn với thực tiễn của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác trong giai đoạn cách mạng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.