Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thúc đẩy và quyết tâm hơn trong xây dựng chính phủ điện tử

TTXVN| 21/09/2018 06:40

(HNM) - Sáng 20-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thứ nhất Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử.

Phiên họp đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử và các thành viên tại lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: TTXVN


Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam đã được định hướng từ lâu và việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện ở nhiều cấp, ngành, giúp người dân quen với môi trường điện tử, môi trường mạng. Nhưng thực tế, xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn ở mức trung bình trên thế giới và trong các nước ASEAN. Điều đó cho thấy, cần tiếp tục thúc đẩy và quyết tâm hơn trong xây dựng chính phủ điện tử.

Cùng với việc ra mắt Ủy ban, Thủ tướng cho biết, ngoài một số thành viên Chính phủ, còn có đại diện của 4 đơn vị công nghệ thông tin lớn, thể hiện tinh thần hợp tác công - tư trong xây dựng chính phủ điện tử. Việc thành lập Ủy ban với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng, chính là thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để triển khai chính phủ điện tử. Thủ tướng biểu dương một số bộ, ngành, địa phương về xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, triển khai một cửa điện tử… Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, kết quả còn khiêm tốn, chưa đạt kỳ vọng mong muốn.

Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm triển khai trong bộ, ngành, địa phương mình quản lý. Việc triển khai chính phủ điện tử phải có đầu mối, người chỉ huy thống nhất trong xây dựng mạng thông tin, để có thể kết nối các hệ thống, giúp tiết kiệm nguồn lực quốc gia. Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp cùng "xắn tay áo" xây dựng thành công chính phủ điện tử, chứ không phải "mạnh ai nấy làm". Đồng thời, việc phát triển xây dựng chính phủ điện tử phải gắn với an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân.

Về tinh thần triển khai, Thủ tướng nhấn mạnh, phải kế thừa các chương trình ứng dụng phát triển công nghệ thông tin; thực hiện xây dựng chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn, liên tục hơn; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, sớm đưa công nghệ thông tin là biện pháp hữu hiệu, hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng.

Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 10-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Thủ tướng nhất trí việc tổ chức tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử thành 4 nhóm công tác về: Thể chế và cải cách hành chính; nguồn lực và bảo đảm thực thi; giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn thông tin; truyền thông.

Tại phiên họp đầu tiên, các thành viên của Ủy ban đã tập trung cho ý kiến, thảo luận về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng chính phủ điện tử; thảo luận về chỉ tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn; xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử với các yếu tố nền tảng cần thiết; bảo đảm nguồn lực ưu tiên, kể cả tài chính, phục vụ triển khai chính phủ điện tử; cơ chế bảo đảm thực thi chính phủ điện tử; kế hoạch hành động của Ủy ban từ nay đến hết năm 2018...

Tại phiên họp, Thủ tướng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thúc đẩy và quyết tâm hơn trong xây dựng chính phủ điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.