(HNM) - Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra siêu thị Fivimart (ở 81 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân). |
- Tháng hành động vì An toàn thực phẩm đã kết thúc, ông đánh giá như thế nào về công tác triển khai thực hiện?
- Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện rất cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và thanh, kiểm tra. Riêng công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn.
Toàn thành phố có 700 đoàn thanh tra, kiểm tra, đã tiến hành kiểm tra 12.552 cơ sở; trong đó, phát hiện 2.108 cơ sở, vụ việc vi phạm và xử phạt hành chính 670 cơ sở với số tiền hơn 2 tỷ đồng; đình chỉ, đóng cửa 40 cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng được chú trọng.
- Qua kiểm tra, vi phạm chủ yếu của các cơ sở là gì, thưa ông?
- So với trước đây, nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, ở nhiều cơ sở từ nhận thức đến hành động vẫn còn là khoảng cách. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm...
- Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được tăng cường; nhiều đợt thanh tra, kiểm tra được tổ chức, song vi phạm vẫn tái diễn, một phần cũng do việc xử phạt chưa nghiêm. Vậy, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, hình thức xử phạt có được cải thiện?
- Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc nên còn khó khăn trong quản lý. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Việc xử lý vi phạm ở tất cả các tuyến từ thành phố, đến quận, huyện và xã, phường, thị trấn đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật. So với những năm trước, năm nay, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của cấp xã, phường, thị trấn trong công tác kiểm tra, xử lý và công khai cơ sở vi phạm. Dù việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, nhưng kết quả còn hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở nên các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
- Vậy theo ông, từ những kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại qua việc triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, trong thời gian tới, công tác quản lý an toàn thực phẩm cần có những giải pháp gì để hạn chế thực phẩm “bẩn”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?
- Bảo đảm an toàn thực phẩm là lĩnh vực vô cùng quan trọng. Nếu thực phẩm không an toàn sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng, do đó, các cơ quan chức năng không chỉ nhanh chóng, quyết liệt trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, mà cần quan tâm đến công tác này vào tất cả các thời điểm trong năm. Hiện tại, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng vì lợi nhuận trước mắt. Trong khi đó, người tiêu dùng đôi khi còn dễ dãi trong khi mua bán, lựa chọn thực phẩm mà không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn. Song hành với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm, cần đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng. Tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố bạn trong quản lý nguồn thực phẩm. Tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.