(HNMO) - Sáng 13-4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã quý I-2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu HĐND thành phố đến các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn.
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; đại diện lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố…
Đóng góp quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ của Thủ đô
Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cho biết, hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố 3 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023; thảo luận chuyên đề về Báo cáo của Thường trực HĐND thành phố về sơ kết hoạt động của HĐND các cấp thành phố giữa nhiệm kỳ; Báo cáo của Đảng đoàn HĐND thành phố về sơ kết việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; đánh giá một năm thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
“Đây là dịp Thường trực HĐND thành phố lắng nghe ý kiến của các đơn vị về đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và tiếp tục đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thành phố”, đồng chí Phạm Quí Tiên nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã đã trao đổi, đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HĐND các cấp thành phố đã chủ động, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đóng góp quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, HĐND các địa phương cũng đánh giá cao việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND, thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND quận, thị xã Sơn Tây khi không tổ chức HĐND tại các phường; việc tổ chức giám sát đối với UBND, Chủ tịch UBND các phường thuộc quận; việc tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của HĐND quận, thị xã.
Đối với việc thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND các cấp đã trao đổi, nêu bật về vai trò, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND; việc kiện toàn chức danh đại biểu chuyên trách của địa phương; việc bố trí cán bộ giúp việc cho HĐND cấp huyện, cấp xã; việc đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND; việc ban hành các quy chế, quy trình trong thực hiện các nhiệm vụ; công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Tập trung đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát gắn với công tác đánh giá cán bộ
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, 3 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, phức tạp, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, GRDP ước đạt 5,8% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước 3,32%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,7%). Tổng thu ngân sách ước thực hiện 138,9 nghìn tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán và tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng CPI quý I được kiểm soát, tăng 2,25% so cùng kỳ.
Đối với hoạt động của HĐND các cấp thành phố cũng tiếp tục lan tỏa sự đổi mới, chất lượng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, với phương châm “Đồng hành, thực chất, hiệu quả”. HĐND các cấp đã chủ động vào cuộc một cách tích cực, để cùng UBND và các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề dân sinh. Đặc biệt, HĐND các cấp thành phố đã chủ động tổ chức tốt các kỳ họp chuyên đề; duy trì các phiên họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND; tăng cường các hoạt động giám sát, khảo sát, bảo đảm các quy định của luật và phù hợp tình hình thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của HĐND các cấp cũng còn một số nội dung hạn chế, như: Chất lượng hoạt động chưa đồng đều, một số đơn vị hoạt động vẫn còn hình thức, chưa hiệu quả; việc hướng dẫn, theo dõi HĐND cấp xã còn hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận giám sát hiệu lực, hiệu quả chưa cao….
Thay mặt Thường trực HĐND thành phố, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các quận, huyện, thị xã cần phân tích, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trước mắt, Thường trực HĐND các cấp thành phố chỉ đạo, phối hợp, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND thành phố; các chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong từng địa phương, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với thành phố và các quy định khác của pháp luật; tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
“Các chỉ tiêu nào chưa thực hiện thì tập trung thực hiện; các đơn vị đã triển khai, thực hiện rồi thì làm tốt hơn nữa, trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, bố trí cán bộ chuyên trách; tổ chức giám sát; tiếp xúc cử tri chuyên đề; quan tâm công tác cán bộ…”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng cho rằng, nội dung quan trọng là công tác đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát, nhưng đây vẫn đang là khâu yếu trong hoạt động của HĐND các cấp. Nhiều nội dung HĐND đã giám sát, chất vấn, giải trình sau thời gian dài vẫn chậm chuyển biến, không có kết quả, phải tiếp tục tái giám sát. Vì thế, HĐND các cấp cần cụ thể hóa Đề án 15 đã quy định rất rõ: Các kết luận giám sát phải được thực hiện và đôn đốc đề cùng kết quả giải quyết; xem xét chuyển các cơ quan chức năng xem xét đối với các vi phạm nghiêm trọng và báo cáo cấp uỷ chỉ đạo; thực hiện nghiêm chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả các kết luận giám sát và là căn cứ để xem xét về công tác cán bộ, thi đua, khen thưởng. Theo đó, các đơn vị tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND theo quy định.
“Tới đây, đối với những đơn vị thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả các kết luận giám sát, Đảng đoàn HĐND thành phố sẽ kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Thành ủy xem xét, kiểm tra công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.