Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục lộ trình cải cách tiền lương: Phương án nào khả thi?

Kim Vũ| 12/10/2011 06:47

Mức lương công chức cao nhất có thể đến 15 triệu đồng/tháng (HNM) - Từ năm 2003 đến nay, lương tháng của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chỉ đủ chi dùng cho nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm (chưa tính đủ tiền nhà) trong 15 ngày.


Hiện nay cả nước có hơn 2 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện KHLĐ&XH, hiện là cố vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì mức lương tối thiểu (LTT) 730.000 đồng/tháng năm 2010 không bằng LTT của một công chức trong những năm 1960. Hồi đó, mức lương tối thiểu 27,3 đồng mua được hai chỉ vàng. Các ý kiến khác cũng chỉ ra rằng, cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học mà lương chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, không bằng lương của công nhân quét dọn. Mức LTT hằng tháng của công chức Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 41,5% mức lương tối thiểu của công nhân, lao động giản đơn cùng thành phố. Giáo viên làm việc đã 20 năm có mức lương tháng chưa đến 4 triệu đồng, mức lương cao nhất của công chức làm ở một trường mầm non là 4,4 triệu đồng; thấp nhất là lương của các giáo viên mới vào nghề, có người chưa đến 2 triệu đồng. Một trưởng khoa - tiến sĩ có 20 năm công tác của một trường ĐH lớn chỉ có lương ở mức 5 triệu đồng. Lương một giám đốc bệnh viện có 30 năm kinh nghiệm chỉ hơn 6 triệu đồng...


Mức lương của giáo viên mới vào nghề là thấp nhất. Ảnh: Bảo Lâm

Với những thực tế này, CBCCVC không thể làm tốt nhiệm vụ trong khi đời sống của họ còn thiếu thốn. Thống kê của Bộ Nội vụ từ năm 2003 đến nay cũng cho thấy, việc điều chỉnh mức LTT chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu của CBCCVC, thấp hơn nhiều so với mức LTT vùng: từ 1.400.000 đồng/tháng (vùng IV - vùng thấp nhất) đến 2.000.000 đồng (vùng I - vùng cao nhất) của khu vực DN. Cụ thể: LTT của CBCCVC từ tháng 5-2011 là 830.000 đồng, chỉ bằng 59,3% so với vùng thấp nhất (vùng 4 - vùng có thị trường lao động kém phát triển nhất như các huyện nghèo…) và bằng 41,5% so với vùng cao nhất (vùng 1 - có thị trường lao động phát triển nhất như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…).

Theo điều tra mới nhất của Bộ Nội vụ, hơn 98% ý kiến cho rằng mức LTT chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu tối thiểu của CBCCVC, rất khó thu hút được người có tài năng vào làm việc. Bên cạnh đó, mức lương thấp không duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh. Tình trạng công chức không chấp hành đúng quy định thời gian làm việc 8 giờ tại công sở diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp, các ngành…

Lương cao nhất của công chức có thể lên 15 triệu đồng?!

Mới đây, liên bộ Nội vụ - LĐ-TB&XH đã đề xuất dự thảo tăng lương "kép" bao gồm tăng cả LTT và hệ số lương cho khối hành chính sự nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án: Quan hệ tiền lương tối thiểu (nhân viên phục vụ bậc 1) - trung bình (chuyên viên bậc 1) - tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3) theo cách tiếp cận tương quan với khu vực thị trường là 1-3,2-15 (mức hiện tại là 1-2,34-10), tương ứng với 830.000 đồng - 2,656 triệu đồng - 12,450 triệu đồng/tháng. Phương án 2: Theo cách tiếp cận mức độ lao động phức tạp là 1-3,5-15, tương ứng là 830.000 đồng - 2,905 triệu đồng - 12,45 triệu đồng/tháng. Bộ Nội vụ cũng sắp trình Chính phủ phương án mức tăng lương kết hợp với mức tăng của quan hệ tiền lương, tới năm 2012, LTT của người tốt nghiệp đại học có thể lên tới gần 5 triệu đồng/người/tháng, mức lương của người giữ chức vụ cấp trưởng có thể là 10-15 triệu đồng/người/tháng..

Nhiều chuyên gia đánh giá, mức tăng này sẽ gây gánh nặng cho ngân sách khi số người hưởng lương ngân sách ngày càng phình ra, theo thống kê có gần 6,1 triệu người bao gồm: 1,6 triệu người có công, 1,4 triệu hưu trí, 1,6 triệu viên chức sự nghiệp, 300.000 cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, 370.000 công chức cơ quan Đảng và đoàn thể... Tuy nhiên, nhu cầu tăng lương đã thực sự cấp bách, nếu không sẽ không tránh được những nhũng nhiễu đang tồn tại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Chỉ có điều, việc tăng hệ số lương cần phải tính toán hợp lý, bố trí ngân sách thế nào cho phù hợp để không gây gánh nặng cho Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tách bạch lương của khu vực sự nghiệp công ra khỏi mức lương của khu vực hành chính các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện, trường đại học nên tự chủ về tài chính.

Có thể thấy Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH đang nỗ lực thực sự để tháo gỡ vấn đề lương công chức hiện nay. Do vậy, việc nâng mức LTT để CBCCVC đủ sống, mở rộng quan hệ mức LTT - trung bình - tối đa cho phù hợp; ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới cho phù hợp... chắc chắn sẽ được thực hiện ngay sau khi Chính phủ đồng ý các dự thảo, đề xuất mà các bộ đưa ra. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan cũng cần quan tâm đến tính ổn định, lâu dài của việc cải cách tiền lương, để làm sao đưa ra được một lộ trình chuẩn, chắc chắn và không phải mất nhiều thời gian để rút kinh nghiệm và đổi mới như đợt cải cách vừa qua.

Theo lộ trình thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương, từ tháng 1-2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần.

Cụ thể: Tháng 1-2003 điều chỉnh từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng/tháng; tháng 10-2005: từ 290.000 đồng lên 350.000 đồng/tháng; tháng 10-2006: từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng/tháng; tháng 1-2008: từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng/tháng; tháng 5-2009: từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng/tháng; tháng 5-2010: từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng/tháng; tháng 5-2011: Từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu chung này tăng thêm 295,2%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%. Theo đề án cũ, lương cơ bản của công chức, viên chức sẽ tăng từ 830.000 năm 2011 lên 990.000 năm 2012. Tuy nhiên, do lạm phát cao và lương tối thiểu của khối doanh nghiệp đã tăng nên theo Bộ Nội vụ, dự kiến sẽ điều chỉnh phương án trên, có thể là 1.050.000 đồng/tháng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục lộ trình cải cách tiền lương: Phương án nào khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.